Hành vi trốn thuế của doanh nghiệp: Khi nào bị xử lý hình sự?

0
576

Theo Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 quy định xử phạt hành chính về thuế thì doanh nghiệp có các hành vi sau đây sẽ bị coi là trốn thuế:

– Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 32 Luật quản lý thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 33 của Luật quản lý thuế, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 9 Thông tư này và Khoản 9 Điều này.

– Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

– Lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa hoặc giảm số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.

– Lập hóa đơn sai về số lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế.

– Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm.

– Không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế.

– Sử dụng hàng hóa được miễn thuế, xét miễn thuế (bao gồm cả không chịu thuế) không đúng với mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.

– Sửa chữa, tẩy xoá chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

– Hủy bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

– Sử dụng hóa đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; khai sai căn cứ tính thuế phát sinh số thuế trốn, số thuế gian lận.

– Người nộp thuế đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh.

– Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Khi Nhà nước phát hiện, doanh nghiệp sẽ bị truy thu lại thuế, truất quyền ưu đãi thuế.

Nếu hành vi trốn thuế của doanh nghiệp có dấu hiệu hình sự thì doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo đó, phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm khi_số tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật Hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi_số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng hoặc tái phạm về tội này

Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm khi trốn thuế với số tiền từ 600 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trong khác.