Hậu quả của hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật?

0
537

Câu hỏi: Công ty chúng tôi có anh A – người lao động viết đơn xin nghỉ việc vì lý do gia đình. Đơn nghỉ việc viết ngày 26/03, trong đơn ghi là xin nghỉ từ 01/04 và nghỉ việc luôn không đến công ty nữa. Anh A chỉ nói là vì lý do gia đình nên nghỉ. Công ty chúng tôi đã gửi tin nhắn đề nghị anh A đến công ty để giải quyết vì chưa được sự đồng ý của công ty nhưng anh A không đến.

– Công ty chúng tôi muốn ra quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với anh A với lý do là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và yêu cầu bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng và tiền lương của 28 ngày không báo trước. Nếu ban hành quyết định và muốn xử phạt người lao động thì phải ban hành vào ngày nào sao cho hợp lý?

– Người lao động này chỉ còn mấy ngày lương chưa thanh toán, ngoài ra không còn khoản tiền nào ở Công ty. Công ty chúng tôi có được giữ lại khoản tiền này để trừ một phần khoản tiền mà người lao động phải bồi thường không? Nếu Công ty chúng tôi gửi quyết định chấm dứt HĐLĐ cho người lao động mà họ không trả tiền bồi thường thì Công ty chúng tôi phải làm như thế nào để thu được khoản tiền này?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trong trường hợp này, có thể xác định được Người lao động đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật vì vi phạm thời hạn báo trước. Do vậy, Công ty có thể ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2021.

Theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật lao động năm 2019, doanh nghiệp chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động khi người lao động làm mất mát, hư hỏng, thiết bị tài sản của người lao động và phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy định tại Điều 129 Bộ luật lao động. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 48, Bộ luật lao động năm 2019, trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ có liên quan đến mỗi bên. Do đó, nếu Công ty của khách hàng làm thao tác “khấu trừ lương” hoặc “giữ lại tiền lương chưa thanh toán” của người lao động để bù trừ cho nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do người lao động chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì sẽ không phù hợp với quy định pháp luật.

Với quy định nêu trên, nếu người lao động cố tình không thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với Công ty thì Công ty chỉ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách khởi kiện ra toà để yêu cầu người lao động thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.