Hướng dẫn xác định cơ quan chủ trì vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế

0
403

Theo Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2014 ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, cơ quan chủ trì vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế là cơ quan bị kiện.

Trường hợp có 02 hoặc nhiều hơn 02 cơ quan Nhà nước của Việt Nam là cơ quan bị kiện trong 01 vụ tranh chấp đầu tư quốc tế cụ thể, các cơ quan này phải thống nhất để 01 trong các cơ quan này là cơ quan chủ trì. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo bị kiện mà không thống nhất được cơ quan chủ trì, các cơ quan này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Bộ Tư pháp. Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trên nguyên tắc cơ quan chủ trì là cơ quan Nhà nước có liên quan nhiều nhất và năng lực phù hợp nhất để giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế đó.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam trên cơ sở hiệp định bảo hộ đầu tư hoặc liên quan đến khoản vay, nợ của Chính phủ (hay khoản vay, nợ được Chính phủ bảo lãnh) theo quy định của pháp luật, cơ quan chủ trì giải quyết là Bộ Tư pháp hoặc Bộ Tài chính.

Cơ quan chủ trì có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các thông tin, tài liệu liên quan đến việc khởi kiện của nhà đầu tư nước ngoài; làm đầu mối liên lạc, trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện và với trọng tài quốc tế hay cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; tham gia phiên xét xử của trọng tài quốc tế hay cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến tranh chấp đầu tư quốc tế…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/03/2014.

Download tại đây: 04_2014_QD-TTg_14222584

Nguồn: wwwluatvietnam.vn