Khó khăn và thuận lợi khi doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phần của công ty Việt Nam.

0
765

Doanh nghiệp hỏi: Hiện trước giờ tôi thành lập công ty, thì có đối tác với khách hàng bên Thái Lan. Hình thức hoạt động giữa công ty tôi và bên kia là tách biệt.

Bên tôi làm theo hình thức là gia công công việc cho đối tác bên kia. Hai bên chỉ làm dự trên hình thức hợp đồng hàng một cách bình thường, không có liên quan gì tới việc chung vốn liếng phía bên công ty Thái Lan.

Cho tới hiện tại, Công ty Thái Lan cũng không có khó khăn gì về tài chính, và công việc vẫn bình thường. Nhưng phía bên Thái có ý ngỏ lời muốn đổ vốn vào để đầu tư thêm.

Chính vì thế, tôi có một số vấn đề khó khăn trong thắc mắc và muốn nhờ sự trợ giúp của Luật Sư SBLAW. Nên có gì Luật Sư giúp đỡ giùm.

Tôi có một số câu hỏi như sau:

1> Nếu thực hiện việc bên kia đầu tư vào, thì tôi sẽ bị những khó khăn gì? Về quản lý, về tài chính, về hệ thống kế toán, ….

2> Nếu thực hiện việc bên kia đầu tư vào, thì tôi sẽ có những thuận lợi gì?

3> Thường như công ty tôi hiện đang là công ty 100% Việt Nam, nếu như có nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư vào, thì tôi sẽ phải gặp những thay đổi gì là cần thiết.

4> Nếu bên Thái muốn góp vốn vào, thì theo luật định, mức tối thiểu bên nước ngoài góp vốn là bao nhiêu %.

5> Bên cạnh đó, tôi cần phải quan tâm tới những việc cụ thể gì, nếu được xin Luật sư tư vấn giúp.

Hiện tôi có một vài câu hỏi trên, rất mong luật sư tư vấn giùm.

Luật sư trả lời: Về các câu hỏi của doanh nghiệp, chúng tôi trả lời như sau

1.  Nếu thực hiện việc bên kia đầu tư vào, thì tôi sẽ bị những khó khăn gì? Về quản lý, về tài chính, về hệ thống kế toán, ….

Luật sư SBLaw: Trong trường hợp Bên nước ngoài góp vốn vào công ty của anh, khả năng cao, cơ quan cấp phép sẽ đề nghị công ty anh loại bỏ một số ngành nghề trong đăng ký kinh doanh và chỉ tập trung vào một số lĩnh vực chính.

Một số hoạt động kinh doanh áp dụng đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài (sau khi bên Thái góp vào) sẽ không được cởi mở như đối với công ty trong nước. Ví dụ, ngành nghề bán buôn, bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, quảng cáo… công ty sẽ gặp nhiều rào cản trong việc phát triển chuỗi cửa hàng bán buôn và bán lẻ.

Về mặt quản lý tài chính, công ty sẽ bị bắt buộc kiểm toán độc lập báo cáo tài chính hàng năm và chi cục thuế thành phố sẽ là đơn vị quản lý thuế trực tiếp.

2> Nếu thực hiện việc bên kia đầu tư vào, thì tôi sẽ có những thuận lợi gì?

Luật sư SBLaw: Theo kinh nghiệm của chúng tôi, về mặt luật pháp, nếu bên Thái Lan đầu tư vào, Công ty anh sẽ không có thuận lợi gì thêm. Vì vậy, anh cân nhắc liệu bên Thái Lan đầu tư vào, anh có được các thuận lợi về năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và khả năng thâm nhập thị trường Thái hay không.

3> Thường như công ty tôi hiện đang là công ty 100% Việt Nam, nếu như có nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư vào, thì tôi sẽ phải gặp những thay đổi gì là cần thiết.

Luật sư SBLaw: Như đã phân tích trên đây, khi Bên nước ngoài đầu tư vào công ty anh, công ty của anh sẽ bắt buộc phải thay đổi về cách thức quản lý tài chính (bắt buộc phải kiểm toán độc lập hàng năm, cơ quan quản lý thuế thay đổi), một số lĩnh vực hoạt động kinh doanh sẽ bị hạn chế (đối với những lĩnh vực kinh doanh hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài).

4> Nếu bên Thái muốn góp vốn vào, thì theo luật định, mức tối thiểu bên nước ngoài góp vốn là bao nhiêu %.

Luật sư SBLaw: Luật pháp Việt Nam không giới hạn số vốn tối thiểu mà Nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam. Luật pháp chỉ giới hạn số vốn tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài có khả năng đầu tư vào một số lĩnh vực hạn chế phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

5> Bên cạnh đó, tôi cần phải quan tâm tới những việc cụ thể gì, nếu được xin Luật sư tư vấn giúp.

Luật sư SBLaw: Thông thường, khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp, anh cần lưu ý các vấn đề sau đây:

– Nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiến hành thủ tục thẩm tra pháp lý (yêu cầu rà soát lại toàn bộ các rủi ro về mặt tài chính, pháp lý v..v. trong suốt quá trình từ khi công ty thành lập cho đến nay). Nhà đầu tư có thể yêu cầu quyết toán thuế hoặc kiểm toán độc lập trước khi đầu tư.

– Thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp anh chuyển nhượng phần vốn góp cho Nhà đầu tư nước ngoài.

– Chi phí dành cho việc xin cấp phép và tiến độ thanh toán và chuyển nhượng vốn góp

Trên đây là một số ý kiến tư vấn ban đầu của SBLaw, nếu Anh và Quý Công ty cần sắp xếp các buổi họp tư vấn để trao đổi cụ thể hơn, SBLaw sẵn sàng đáp ứng. Ngoài ra, SBLaw cũng có đầy đủ năng lực tư vấn và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết hỗ trợ cho Anh và Quý Công ty trong trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài tiến hành việc đầu tư vốn vào Quý Công ty.