Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Phòng Pháp chế và Chính sách thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, chế độ bảo hộ SHTT cao đồng nghĩa với việc thu hẹp khả năng tiếp cận sản phẩm trí tuệ được bảo hộ đối với xã hội, trong đó có DN. Đối với mỗi DN, bí quyết kỹ thuật là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, coi trọng SHTT là yêu cầu cần thiết để tạo khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội xâm nhập vào các thị trường khu vực.
Có chung quan điểm, ông Peter N. Fowler, Luật sư tư vấn cao cấp về thực thi, bảo vệ quyền SHTT, Đặc phái viên khu vực Đông Nam Á của Cơ quan Bản quyền Mỹ cho rằng, bảo vệ hiệu quả quyền SHTT là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế quốc gia. Theo chuyên gia này, trong kinh doanh, bí mật kinh doanh là những thông tin độc quyền có giá trị. Chính vì vậy, một nền tảng pháp lý mạnh mẽ trong việc thực thi bảo vệ quyền SHTT là yếu tố then chốt để xây dựng nền kinh tế phát triển dựa trên tri thức và sáng tạo.
Dẫn chứng từ trường hợp của nước Mỹ, ông Peter N. Fowler chia sẻ: “Luật pháp và quan điểm của Mỹ về SHTT có ảnh hưởng quan trọng trong việc biến một nền kinh tế nông nghiệp thành nền kinh tế công nghiệp. Được hưởng lợi từ môi trường pháp lý dành cho các đổi mới mang tính sáng tạo và ứng dụng cao, nhiều DN Mỹ đã kinh doanh thành công trong môi trường sáng chế chuyên nghiệp”.
Báo cáo Cập nhật 2016 của Mỹ cũng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của SHTT đối với nền kinh tế Mỹ. Quyền SHTT được đảm bảo đã góp phần tạo lập việc làm và thu nhập, đa dạng hóa các ngành công nghiệp, xuất khẩu và tạo giá trị cao cho thị trường Mỹ.
Không hành chính hóa vi phạm sở hữu trí tuệ
Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, quyền SHTT ngày càng trở nên quan trọng cho sự thành công của các DN tại Việt Nam vì nó gắn kết vào chuỗi giá trị toàn cầu và thu hút sự tham gia ngày càng tăng của các DN nước ngoài có các sản phẩm đổi mới.
Tuy nhiên, theo Hội bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, trên thị trường hiện nay, thực trạng hàng giả, hàng nhái và vi phạm SHTT đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam và tác động tiêu cực tới các DN làm ăn chân chính. Nhiều mặt hàng tiêu thụ với số lượng lớn và có giá trị cao, thuế suất cao thường bị làm giả như dược phẩm, vật tư nông nghiệp, đồ gia dụng…
Theo thống kê của Hội bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, năm 2016, có hơn 30.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa. Trong số đó, có trên 3.000 vụ vi phạm về chất lượng công dụng; trên 1.600 vụ giả mạo về nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, bao bì; gần 24.000 vụ vi phạm về tem nhãn, bao bì hàng hóa, nhãn dán hàng hóa… Kết quả này phần nào cho thấy thực trạng nghiêm trọng trong vi phạm SHTT của DN.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho rằng, một trong những biện pháp cần làm ngay để bảo vệ quyền SHTT của DN là không hành chính hóa các vi phạm SHTT. Thực tế cho thấy, hiện nhiều cơ quan, cá nhân vẫn cho rằng chống hàng giả chưa đến mức hình sự. Chính quan điểm này là mầm mống cho hàng giả, hàng nhái và những vi phạm SHTT ngày càng gia tăng.
Cũng theo bà Hà, hiện không pháp luật của một quốc gia thành viên nào khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do lại phải sửa đổi nhiều như pháp luật Việt Nam. Chỉ riêng các cam kết về SHTT đã dẫn đến việc sửa đổi nhiều luật như: Luật SHTT, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hải quan, Luật Dược, Luật Công nghệ thông tin và hàng loạt các văn bản dưới luật. Không chỉ đơn thuần phải sửa đổi các quy định pháp luật cụ thể, mà việc sửa đổi theo bà Hà còn được thực hiện đối với cả cơ cấu hệ thống pháp luật, cụ thể là chuyển dịch cơ chế phạt hành chính sang phạt hình sự đối với hàng loạt hành vi xâm phạm quyền SHTT.