Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW có phần trả lời phóng viên Báo An ninh thủ đô với chủ đề nêu trên.
Mời Quý vị đọc bài viết tại đây:
Hành lang pháp lý
Luật Nhà ở 2014 được ban hành đã quy định cụ thể khái niệm về nhà chung cư như sau:
“Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh”.
Như vậy, theo quy định này ta có thể hiểu pháp luật đã phân chia rõ ràng về nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp. Đối với mỗi loại nhà chung cư này, tùy vào mục đích sử dụng mà chủ đầu tư sẽ có các tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng riêng để đảm bảo không gian sinh hoạt, làm việc cho người sử dụng.
Nhà chung cư có mục đích để ở là nhà chung cư được thiết kế, xây dựng chỉ sử dụng cho mục đích để ở. Nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp là nhà chung cư được thiết kế, xây dựng để sử dụng vào mục đích ở và các mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại.
Việc sử dụng nhà chung cư không đúng mục đích ban đầu sẽ gây ra nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình vận hành của Tòa nhà.
Dó đó, tại Điều 6 Luật Nhà ở 2014 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có bao gồm “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”.
Để cụ thể hóa quy định của Luật Nhà ở 2014, tại điểm 7 Điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định: Trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh này phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh phải làm thủ tục điều chỉnh lại địa điểm kinh doanh ghi trong giấy tờ đăng ký kinh doanh đã cấp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sang địa điểm khác trong thời hạn quy định tại Khoản này; quá thời hạn quy định tại Khoản này thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư.
Như vậy, theo Nghị định 99 thì kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2015 (ngày Nghị định có hiệu lực thi hành) thì các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải căn hộ chung cư trong 06 tháng. Sau ngày 10/06/2016 thì mọi hoạt động kinh doanh tại căn hộ chung cư được coi là trái quy định pháp luật.
Thực trạng vi phạm
Hiện nay các doanh nghiệp sử dụng nhà chung cư để ở làm văn phòng xuất phát từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các doanh nghiệp mới thành lập.
Ưu điểm của việc thuê nhà chung cư là giá thành khá phù hợp với tình hình tài chính của các doanh nghiệp trên, hơn nữa trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp “lách” luật bằng cách đăng ký địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp mình tại một địa điểm nhưng lại tiến hành kinh doanh tại địa điểm khác. Chính vì thế có rất nhiều doanh nghiệp vẫn “thoải mái” hoạt động trong các căn hộ chung cư.
Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm một số nguyên nhân chính như ý thức của các doanh nghiệp, tình hình quản lý của các cơ quan chức năng và quy định của pháp luật.
Việc các doanh nghiệp không tuân thủ quy định của pháp luật, thậm chí luôn tìm cách để “lách luật” đã khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần tiến hành quản lý chặt chẽ, thường xuyên đối với hoạt động đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp, trong trường hợp đặt trụ sở chính ở đâu thì cần nộp kèm theo hồ sơ các giấy tờ chứng minh.
Bên cạnh đó, do pháp luật còn thiếu chế tài xử phạt trong vấn đề quản lý chung cư nên đã dẫn đến tình trạng vi phạm như hiện nay.