Làm sao để kiểm soát được xuất xứ hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử?

0
758

Câu 1: vừa qua, một vụ việc gây chú ý là những bài viết bán mặt hàng không cho phép đó là bánh cần sa lại được đăng tải trên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee. Vậy theo ông vì sao lại để xảy ra tình trạng này? Và nếu những bài viết này còn tiếp tục được đăng tải thì Shopee sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?

Trả lời:

Kinh doanh cần sa là hoạt động đầu tư bị cấm tại Việt Nam, theo khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2014. Việc sản phẩm bánh cần sa lại được đăng tải trên sàn giao dịch thương mại điện tử shopee thể hiện chính sách dễ dãi của Shopee vì không phải tự nhiên mà đối tượng lại chọn Shopee làm đơn vị trung gian vận chuyển cho một mặt hàng cấm.

Thực tế, ai cũng có thể lập một gian hàng trên Shopee trong vòng chưa đầy 30 phút chỉ với một yếu tố xác minh là số điện thoại.

Nhiều đối tượng đã sử dụng kẽ hở này để lập nhóm kín trên facebook để quảng bá sản phẩm và sau đó chỉ dùng Shopee để phân phối.

Trong trường hợp này, nền tảng mua sắm Shopee được sử dụng như một kênh vận chuyển, phân phối hàng hóa nên phía công ty có thể bị phạt tiền 2 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Khi đã bị xử lý hành chính mà vẫn còn tiếp tục vi phạm thì lúc này Shopee sẽ bị xử lý hình sự về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy và mức phạt tiền lúc này có thể lên đến 500.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản công ty.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 83 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với hành vi không yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 triệu đồng.

Câu 2: từ đây có thể thấy rằng việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng hàng hoá trên các trang thương mại điện tử nói chung của chúng ta còn chưa tốt. Tại Việt Nam, đã có những điều khoản nào quy định về vấn đề này và theo ông những điều khoản này đã đủ chặt chẽ chưa. Khi vi phạm thì cả người bán cũng như sàn thương mại điện tử đó sẽ bị xử lí như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử thì “Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó”.

* Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử:

  1. Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định này và công bố các thông tin đã đăng ký trên trang chủ website.
  2. Xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 38 Nghị định này; theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  3. Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định này khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
  4. Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.
  5. Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.
  6. Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
  7. Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
  8. Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  9. Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  10. Công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Khi khách hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

* Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử:

  1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
  2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  4. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  5. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.
  6. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  7. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, về nguyên tắc, sản phẩm do ai bán ra thì người đó phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, trách nhiệm của sàn là phải gỡ bỏ sản phẩm đó khi bị phản ánh. Trừ khi sàn giao dịch không gỡ sản phẩm sẽ bị xử phạt.

Câu 3: để tránh tình trạng trên tái diễn, theo ông, cần có những chế tài hay những phương án nào cần được thực hiện, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng phát như hiện nay?

Trả lời:

Một trong những kẽ hở lớn của hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nằm ở khâu quản lý tài khoản bán hàng online. Nội dung này cần được đưa vào xem xét lấy ý kiến để sửa đổi cho hợp lý trong thời gian tới.

Thực tế, đã có quy định chủ sàn thương mại điện tử phải thu thập, lưu trữ thông tin của cá nhân, đơn vị đăng ký bán hàng trực tuyến nhưng việc thực thi trên thực tế còn có khoảng cách lớn. Bởi vậy, cần bổ sung giải pháp thắt chặt hơn nữa quy định về nghĩa vụ kiểm soát tài khoản bán hàng của chủ sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, cũng rất cần có quy trình chặt chẽ để chủ sàn thương mại điện tử cũng như đơn vị kinh doanh bán hàng thực hiện tốt.

Để giải quyết, trước hết cần có chế tài xử phạt nặng tay với cả đơn vị bán hàng và chủ sàn thương mại điện tử. Nhưng quan trọng hơn nữa là phải có công cụ kiểm soát hoạt động thương mại điện tử.

Câu 4: người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng qua các sàn thương mại điện tử có thể làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình?

Trả lời:

Thực tế, các sàn thương mại điện tử thường đẩy trách nhiệm hoàn toàn sang nhà bán hàng; trong khi rất nhiều người bán không có địa chỉ rõ ràng, hai bên chỉ giao dịch qua mạng nên khó quy trách nhiệm. Trường hợp khách hàng bị lừa gạt khi mua hàng trên mạng thì có thể làm đơn lên cơ quan công an điều tra.

Thương mại điện tử cũng giống giao dịch trực tiếp nhưng chỉ khác hình thức do đó vẫn chịu chi phối bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các luật khác. Thực tế này đòi hỏi sự điều chỉnh của luật pháp và muốn điều chỉnh phải kiểm soát được. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và sự hợp tác của người tiêu dùng. Trước mắt, người dùng phải chủ động bảo vệ mình, không mua những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ kinh doanh.