Làm thế nào khi mua hàng qua mạng bị lừa?

0
495

Câu hỏi: Tôi có đặt mua 1 chiếc điện thoại di động qua mạng với giá là 1.000.000đ. Sau khi thỏa thuận về giá cả tôi quyết định mua và người bán nói sẽ gửi qua đường bưu điện cho tôi, nhưng khi tôi nhận hàng và kiểm tra thì bên trong gói hàng chỉ là đá xanh, tôi đã nói nhân viên bưu cục khoan chuyển tiền cho người gửi. Bây giờ tôi phải làm sao để có thể lấy lại được số tiền trên?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Bạn và người bán điện thoại đã thỏa thuận với nhau về giá cả, phương thức thanh toán, phương thức giao hàng và địa chỉ giao hàng, nói cách khác bạn và người đó đã giao kết hợp đồng mua bán tài sản, cụ thể là chiếc điện thoại. Theo đó, bạn có nghĩa vụ trả tiền và người bán có nghĩa vụ giao hàng đúng theo thỏa thuận.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bên bán hàng giao cho bạn mặt hàng khác mà không phải chiếc điện thoại theo thỏa thuận. Điều 439 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm của người giao tài sản không đúng chủng loại có nghĩa vụ như sau:

“Trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận.

2. Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại.

3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.

Trường hợp tài sản gồm nhiều chủng loại mà bên bán không giao đúng với thỏa thuận đối với một hoặc một số loại thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại tài sản đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Như vậy, việc người bán giao cho bạn mặt hàng khác so với thỏa thuận thì người đó đã vi phạm hợp đồng. Bạn nên liên hệ để thông báo cho bên bán về việc này và yêu cầu họ giao hàng đúng theo thỏa thuận. Trường hợp họ không đồng ý thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bán hàng đang cư trú về hành vi vi phạm hợp đồng để yêu cầu người bán giao đúng tài sản như thỏa thuận hoặc lấy lại số tiền bạn đã gửi cho họ và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

Trường hợp bạn không liên lạc được với người bán, hoặc người đó có dấu hiệu trốn tránh nghĩa vụ trả lại đúng hàng cho bạn thông qua các hành vi như: cắt liên lạc, chối bỏ nghĩa vụ, trốn khỏi nơi cư trú, …  thì người đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009:

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Do giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng nên người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu từng bị phạt hành chính hoặc bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc thuộc trường hợp được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP:

“5. Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích…), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương úng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:

a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

b) Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính.

c) Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới 500 ngàn đồng”.

Như vậy, trường hợp này bạn có thể khai báo với cơ quan công an tại địa phương để điều tra làm rõ xác định hành vi của người bán hàng.