Làm tiền giả bán cho các ‘con bạc’ có thể bị tù chung thân

0
604

Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm/bài viết về việc sản xuất, giao dịch tiền giả trên báo An ninh Thủ đô. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Mới đây, Phòng CSHS – Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ hình sự đối tượng Võ Văn Tình (SN 1995, quê Phú Yên) để điều về hành vi “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”. Theo các luật sư, đối tượng thực hiện hành vi này có thể đối diện mức án cao nhất là tù chung thân.

Liên quan đến nam thanh niên làm tiền giả bán cho các ‘con bạc’, ‘con nghiện’ ở Bình Dương, Phòng CSHS công an tỉnh này đã phát hiện trên địa bàn có trường hợp sử dụng tiền giả để giao dịch, mua bán.Qua theo dõi, lực lượng công an đã thu được một lượng tiền giả có đặc điểm giống hệt tiền thật song các tờ tiền này có cùng 1 số seri.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã phát hiện đối tượng chuyên cung cấp tiền giả là Võ Văn Tình, ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM.

Đối tượng này đã bị bắt giữ khi đang ở khu công nghiệp Sóng Thần, thành phố Dĩ An, để giao dịch bán tiền giả.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện đối tượng đang cất giữ 117,5 triệu đồng tiền giả trong cốp xe máy, số tiền này có cùng 1 số seri. Tại cơ quan công an, Võ Văn Tình thừa nhận đây đều là tiền giả và được đối tượng in tại nhà ở TP.HCM, đang trên đường đi giao cho khách.

Người mua là đối tượng đánh bạc, đá gà, nghiện ma túy. Giá giao dịch là 1 triệu đồng tiền thật đổi lấy 5 triệu đồng tiền giả. Vụ việc đang được Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục điều tra làm rõ.

Về hành vi làm, tàng trữ, mua bán tiền giả, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 207 BLHS 2015 đã quy định, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 đến dưới 50 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5-12 năm.

Trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân.

Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1-3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về cấu thành tội phạm, Luật sư Thu phân tích, hành vi làm tiền giả được thể hiện qua việc in, vẽ, photocoppy, hoặc bằng các hình thức khác để tạo ra các tờ tiền giống như tiền thật, nhằm làm cho người khác tưởng chúng là thật. Việc làm ra tiền giả nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Hành vi tàng trữ tiền giả được thể hiện qua việc cất giữ tiền giả trái pháp luật dưới bất kỳ hình thức nào. Vận chuyển tiền giả là đưa tiền giả từ nơi này đến nơi khác bằng mọi phương thức, với mọi phương tiện. Còn lưu hành tiền giả là việc đưa tiền giả vào sử dụng để thanh toán, trao đổi như dùng tiền giả để mua hàng hóa…

Về khách thể, hành vi phạm tội đã xâm phạm đến quy định của Nhà nước về quản lý tiền tệ. Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Còn đối với người mua tiền giả, Luật sư Thu cho rằng, hành vi mua tiền giả được chia làm 2 trường hợp: Nếu hành vi mua bán chưa hoàn thành và người mua chưa nhận được tiền giả thì chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tàng trữ tiền giả.

Nếu hành vi mua bán đã hoàn thành và người mua đã nhận được tiền giả thì đây chính là hành vi tàng trữ tiền giả và người mua có thể bị xử lý hình sự theo Điều 207 BLHS 2015.