Lao động nữ mang thai có được làm việc ít thời gian hơn không?

0
306

Câu hỏi: Em là công nhân làm việc tại xưởng lắp ráp thiết bị, hàng ngày phải tiếp xúc rất nhiều với hóa chất độc hại. Nhà em có con nhỏ và em lại mới mang thai nên em muốn xin nghỉ sớm để tiện chăm sóc con thì có được không? Nếu được thì em được về sớm trong thời gian bao lâu?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ Khoản 2 Điều 137 Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thì công tác bảo vệ thai sản được tiến hành như sau:

“2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, trường hợp của bạn có làm việc trong môi trường độc hại và đang nuôi con nhỏ trong thời gian mang thai. Bạn muốn xin nghỉ sớm để tiện chăm sóc con thì cần lưu ý thông báo trước cho người sử dụng lao động biết, đồng thời con của bạn cũng phải dưới 12 tháng tuổi thì bạn được phép xin về trước 1 tiếng hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương. Tuy nhiên, nếu con của bạn đã trên 12 tháng tuổi thì bạn có thể xin công ty chuyển sang làm việc công việc khác nhẹ và an toàn hơn.

Xem thêm:

QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT, TẠM HOÃN HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG CỦA LAO ĐỘNG NỮ MANG THAI
Trong quan hê lao động, người lao động không được tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Tuy nhiên đối với lao động nữ mang thai, thì trong một số trường hợp đặc biệt người lao động có quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động. Tại Điều 138 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về vấn đề này như sau:
1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
2. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.