Tại hồ sơ gửi Quốc hội về dự án luật Đầu tư (sửa đổi) đang được xây dựng, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho rằng hoạt động bỏ vốn đầu tư bất động sản ở nước ngoài đang có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước. Mà cụ thể hiện có 262 dự án bất động sản, trị giá hơn 390,9 triệu USD, đầu tư ra nước ngoài, phần lớn là nhằm “dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài”.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tham gia 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Các dự án này được PVN ủy quyền cho PVEP thực hiện.
Trong số 13 dự án đầu tư ra nước ngoài, chỉ có 2 dự án có dòng tiền chuyển về nước hoặc có hiệu quả kinh tế. Có tới 11 dự án của PVN ở nước ngoài gặp khó khăn vướng mắc.
Không riêng gì PVN, từ năm 2015, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng “rót” hàng nghìn tỷ đầu tư bên Lào, đó là dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali với số vốn đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.
Song, theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, đến nay dự án đã phải tạm dừng, nằm đắp chiếu và có khả năng dừng hẳn.
Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng có dự án đầu tư ra nước ngoài bị “điểm mặt” là không hiệu quả. Kết luận thanh tra tại TKV và một số đơn vị thành viên, được Thanh tra Chính phủ công bố, cũng cho thấy, cả ngàn tỷ đồng được tập đoàn đầu tư trong giai đoạn 2010-2015 không phát huy hiệu quả, có khả năng mất trắng. Trong đó, có nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề quản lý vốn đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp cùng từ thực tế hàng loạt dự án đầu tư trong nước gây thua lỗ, PV Phaply xin gửi tới Luật sư một số vấn đề sau:
1, Từ những sai phạm nêu trên, đâu là những chính sách pháp luật về quản lý đầu tư và quản lý vốn đầu tư nói chung, và những quy định của Luật Đầu tư nói riêng có lỗ hổng?
Trả lời:
Trong những năm gần đây việc các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các dự án ở nước ngoài không còn xa lạ với nhà nước. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào, dự án đầu tư nào cũng đạt được kết quả tích cực, nhận lại được lợi nhuận như mình mong muốn. Các rủi ro từ dự án không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp đầu tư và còn ảnh hưởng đến nền kinh tế nước nhà điển hình là ngân sách nhà nước nhiều năm thất thu với thành phần kinh tế nhà nước.
Nguyên nhân dẫn đến việc này một phần là do hệ thống pháp luật của Việt Nam quy định về vấn đề này còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Văn bản luật và dưới luật còn xung đột có khoảng trống. Trong đó có sự chồng chéo giữa quản lý nhà nước của các bộ ngành với vai trò quản trị, chủ quản của các Doanh nghiệp nhà nước.
Chính sách tài chính chồng chéo, chính sách thương mại nhiều khâu, các khâu thực hiện chậm chưa tách bạch quản lý nhà nước với quản lý doanh nghiệp. Nhà nước chưa có chiến lược quy hoạch dài hạn đầy đủ về phát triển các ngành kinh tế. Các chính sách của Chính phủ hỗ trợ việc đầu tư ra nước ngoài như về định hướng, vốn, thủ tục, ưu đãi không cụ thể, chưa thiết thực và đủ hấp dẫn.
Hầu hết các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp quy mô lớn đều mang tính dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực có thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả đầu tư chưa được lượng hóa cụ thể.
Tuy nhiên, đối với những dự án thua lỗ, rõ ràng trách nhiệm thuộc về người ra quyết định đầu tư, người thực hiện dự án. Họ cần phải chịu trách nhiệm về tài chính, hành chính, nếu có gian lận, có dấu hiệu phạm pháp thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đầu tư phải nghiên cứu thật kĩ thị trường, phải có đội ngũ nguồn nhân lực được chuẩn bị kĩ, am hiểu thị trường, kinh doanh nước sở tại.
2, Tới đây, khi sửa đổi Luật Đầu tư, để vốn ngân sách nhà nước không bị thất thoát và quản lý tốt hơn về việc đầu tư, phải quy định như thế nào trong Luật, thưa ông?
Trả lời:
Trước hết các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kĩ càng thông hiểu luật pháp – nắm rõ đồng thời, điều kiện kinh tế – xã hội, phong tục tập quán, … của nước sở tại nơi thực hiện dự án để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Thứ hai, Chính phủ nên đưa ra các điều khoản quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng vốn nhà nước, tăng cường giám sát chất lượng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Thứ ba, điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư ra nước ngoài cần được quy định chặt chẽ hơn. Đưa ra các điều kiện cụ thể hơn về việc doanh nghiệp phải báo cáo cụ thể về kế hoạch, chiến lược hoạt động của các dự án, rủi ro có thể xảy ra đồng thời đưa ra các biện pháp, cách thức giải quyết, khắc phục rủi ro. Trước khi ra quyết định đầu tư vốn thì Chính phủ cần xem xét thật kĩ điều kiện của doanh nghiệp, tiềm năng phát triển của dự án nhằm trường hợp đầu tư không đúng gây thất thoát cho Ngân sách nhà nước.
Thứ tư, Chính phủ cũng nên tăng cường cải cách thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư.
Đồng thời, đề ra các chính sách phân khúc thị trường đầu tư thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ Doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tập trung sản xuất ra các sản phẩm chiến lược và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác hỗ trợ và cung cấp thông tin hữu ích về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho các Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức các đường dây nóng; các cuộc gặp gỡ tiếp xúc giữa Chính phủ với các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam với các địa sứ quán, lãnh sự quán nhằm nắm bắt nhanh chóng, kịp thời tình hình hoạt động cũng như giúp đỡ giải quyết các nhu cầu đặt ra trong quá trình hoạt động.