Luật CSCĐ tăng cường sức mạnh cho lực lượng CAND

0
686

Ngày 14/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động với tỷ lệ phiếu tán thành cao. Luật Cảnh sát cơ động 2022 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, thay thế hoàn toàn cho Pháp lệnh cảnh sát cơ động năm 2013. Vậy sẽ Luật Cảnh sát cơ động duy trì, thay thế và bổ sung những điểm mới gì. LS Nguyễn Thanh Hà, GĐ Công ty Luật SB Law đã đưa ra những quan điểm của mình xoay quanh vấn đề này. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Luật Cảnh sát cơ động dựa trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013. Luật sư Nguyễn Thanh Hà có thể phân tích những điểm mới về nội dung và hình thức ở Luật Cảnh sát cơ động so với Pháp lệnh CSCĐ 2013?

Trả lời:

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 (Luật số 04/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Theo đó, Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… So với Pháp lệnh CSCĐ 2013, Luật Cảnh sát cơ động 2022 được thể chế hoá thành Luật riêng và các điều khoản được quy định rõ ràng và tách bạch. Cụ thể: Luật CSCĐ đã bổ sung thêm một số quyền hạn của lực lượng CSCĐ trong quá trình thực thi nhiệm vụ; Luật CSCĐ 2022 quy định bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như sau: chống đối, cản trở hoạt động của CSCĐ; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ CSCĐ trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ…(Điều 8); hay Pháp lệnh CSCĐ 2013 quy định chung về cả nhiệm vụ và quyền hạn của CSCĐ tại Điều 7 Pháp lệnh. Tuy nhiên, Luật CSCĐ 2022 đã chia lại CSCĐ có 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn riêng biệt. 

Việc quy định như trên đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò của CSCĐ, nâng cao ý thức pháp luật, góp phần tạo sự đồng thuận và chuyển biến tích cực về nhận thức trong các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, người dân và toàn xã hội đối với vị trí, vai trò của CSCĐ, hỗ trợ và thúc đẩy hiệu quả hoạt động của lực lượng này; quy định bổ sung, cụ thể và minh bạch các nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ trong văn bản luật sẽ tạo điều kiện cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ cũng như tăng cường sự giám sát của người dân đối với hoạt động của lực lượng này.

Câu hỏi: Đã có rất nhiều điểm mới được quy định, trong đó như Luật sư vừa chia sẻ là tại Luật đã bổ sung 2 nhóm nhiệm vụ mới của lực lượng cảnh sát cơ động, cụ thể hai nhóm nhiệm vụ này là gì, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law

Trả lời:

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều hoạt động của CSCĐ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật cảnh sát cơ động 2022 đã tách nhiệm vụ và quyền hạn của CSCĐ thành 2 điều, bổ sung thêm một số nhiệm vụ của CSCĐ để đảm bảo đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ mà CSCĐ đang thực hiện.

Cụ thể, bổ sung thêm nhiệm vụ tham gia phối hợp với các lực lượng trong CAND đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của Cảnh sát cơ động.

Câu hỏi: Một trong những điểm đáng chú ý của Luật này là bổ sung thêm nhiệm vụ,  quyền hạn cho Cảnh sát cơ động (như được mang vũ khí lên tàu bay, tàu thủy, được ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ, được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách). Thưa luật sư, cụ thể những điểm này được quy định tại điều mấy, khoản mấy và sự cần thiết của nó ra sao, trong điều kiện hiện nay?

Trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 5 Điều 10 Luật CSCĐ 2022 quy định CSCĐ có quyền:

– Được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ;

b) Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho Cảnh sát cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

– Ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

– Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo quy định tại Điều 16 của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 16 Luật này quy định về việc huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự như sau:

1. Khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, việc huy động người, phương tiện, thiết bị thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.

Trong trường hợp cấp bách theo quy định tại khoản này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định như sau:

a) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộcCảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập;

b) Người chỉ huy trực tiếp của Cảnh sát cơ động tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

3. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 4 Điều 32 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật có liên quan.

    Quy định mới về việc CSCĐ được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ trong trường hợp sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự hiện nay và quy định về CSCĐ được quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ tính chất đặc thù của CSCĐ so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân. Ngoài ra, cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách cũng nhằm đáp ứng được yêu cầu trong tình trang cấp thiết, để đảm bảo an ninh trật tự và ngăn chặn các hoạt động của tội phạm trong những trường hợp cấp bách cũng cần sự hỗ trợ từ phiá người dân và các cơ quan, tổ chức.

 Hoạt động của CSCĐ dựa trên nền tảng pháp lý vững chắc sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, tạo niềm tin trong nhân dân, gắn kết cộng đồng xã hội và bảo đảm cho các hoạt động xã hội diễn ra ổn định. 

Câu hỏi: Tôi đã theo dõi từ khi Luật CSCĐ còn là dự thảo và cũng thấy nhiều ý kiến chi rằng lo lắng việc bị chồng chéo giữa các Luật và các văn bản dưới luật. Tôi có thể lấy ví dụ như việc tuần tra kiểm soát trên đường, việc huy động phương tiện của lực lượng cảnh sát cơ động sẽ theo Luật mới này hay theo quy định tại Luật CAND?

Thưa Luật sư, với câu hỏi này, ông có thể cho biết trong Luật này có quy định cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ và thẩm quyền huy động người, thiết bị, phương tiện của lực lượng cscđ không?

Trả lời:

Theo như Bộ trưởng đã nêu cũng như tại Điều 3 Luật cảnh sát cơ động 2022 quy định về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động có nêu rõ Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nên khi có sự chồng chéo pháp luật với Luật CAND 2018 thì phạm vi hoạt động của CSCĐ được thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Tại Điều 16 Luật CSCĐ 2022 quy định rõ, khi thực hiện những nhiệm vụ tại khoản 2, 3 Điều 9 của Luật này, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, việc huy động người, phương tiện, thiết bị thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.

Về thẩm quyền huy động thì tại khoản 2 Điều 16 Luật CSCĐ 2022 có quy định:

a) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập;

b) Người chỉ huy trực tiếp của Cảnh sát cơ động tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

Câu hỏi: Ý nghĩa quan trọng của Luật Cảnh sát cơ động chính là việc Luật năm 2022 đã chia lại cụ thể 9 nhiệm vụ, 7 quyền hạn riêng biệt của lực lượng cảnh sát cơ động. Với vai trò là người nghiên cứu pháp luật, theo ông, việc chia cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn như vậy, có vai trò thực tiễn thế nào?

Trả lời:

Tại Điều 3 Luật CSCĐ quy định rõ Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, CSCĐ là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân, với chức năng là lực lượng “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động trong Luật. Đây chính là đặc thù và sự khác biệt của CSCĐ so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân. 

Phạm vi, địa bàn hoạt động của CSCĐ trước hết phải theo quy định của Luật Công an nhân dân và được xác định rõ trong Luật CSCĐ, đồng thời được phân định bởi các quy định của pháp luật có liên quan (như Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam). Đối với các nhiệm vụ, quyền hạn do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển chủ trì, CSCĐ sẽ chỉ phối hợp thực hiện khi được yêu cầu tham gia giải quyết vụ việc.

Lực lượng CSCĐ thuộc Công an nhân dân, nên Luật quy định CSCĐ là “lực lượng vũ trang nhân dân” là phù hợp và thống nhất với một số luật đã ban hành (Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Điều 13 Luật Biên phòng Việt Nam); đồng thời, là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng chế độ, chính sách, bảo đảm hoạt động, tạo điều kiện để CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, tránh lạm quyền, nhất là các nội dung có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, khoản 2 Điều 4 của Luật đã quy định nguyên tắc hoạt động của CSCĐ là phải “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”. Chức năng của CSCĐ được ràng buộc và điều chỉnh bởi Luật Công an nhân dân, các luật khác có liên quan và quy định tại Luật này.

Việc luật hóa nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, đặc biệt là các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sẽ góp phần tác động tới tình hình trật tự, an toàn xã hội theo chiều hướng tích cực. Theo đó, các quan hệ xã hội được CSCĐ quản lý, thực hiện nhiệm vụ sẽ được bảo đảm ổn định, an toàn, kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề phát sinh do có đủ cơ sở pháp lý và phân định rõ phạm vi thẩm quyền của lực lượng này. 

Câu hỏi: Theo quy định của Luật mới này thì những tiêu chuẩn để tuyển chọn công dân là gì?

Trả lời:

Theo Điều 26 Luật CSCĐ 2022 quy định về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động như sau:

  1. Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện thì được tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động.
  2. Cảnh sát cơ động được ưu tiên tuyển chọn công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, tài năng phù hợp để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát cơ động.

Câu hỏi: Đến nay, sau nửa năm chờ đợi Luật CSCĐ đã có hiệu lực thi hành, Vậy, thưa LS để Luật thực sự đi vào cuộc sống, theo Luật sư việc cần làm đầu tiên là gì?

Trả lời:

Luật CSCĐ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập của pháp luật hiện hành về CSCĐ và là cơ sở pháp lý vững chắc để CSCĐ thực hiện tốt chức năng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, để Luật CSCĐ đi vào cuộc sống, trước tiên cần khảo sát thực tế ở địa phương, nhất là việc khảo sát thực tế mối quan hệ phối hợp giữa CSCĐ với các lực lượng vũ trang đứng chân trên các địa bàn trọng yếu, nơi thường xuyên có thể xảy ra các vụ việc đột xuất, bất ngờ liên quan đến an ninh, trật tự.