Mới đây, công an Bắc Kạn xác định sau khi bị tòa tuyên án tử hình, 2 phạm nhân đã treo cổ tự tử trong trại tạm giam.
Thời điểm trên, Bằng ở buồng G3, còn Vân bị giam tại buồng G2. Đây là nơi giam giữ các phạm nhân, can phạm đặc biệt nguy hiểm nên các biện pháp giam giữ, quản lý được trại tạm giam công an tỉnh thực hiện theo quy định.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao hai phạm nhân này có thể cùng tự tử như vậy? và trách nhiệm của sự việc này thuộc về ai?
Điều 4 Thông tư số 39/2012/TT-BCA quy định về việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình quy định: Sau khi Tòa án đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì Giám thị trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam người bị kết án tử hình.
Các quy định, quy trình quản lý tử tù được quy định vô cùng nghiêm ngặt và có phẩn rất khác biệt so với những tội phạm khác. Bởi lẽ các tội phạm này đã được toà án tuyên án cao nhất là tử hình và thường phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy việc quản lý những tử tù này được quy định rất rõ ràng và chặt chẽ tại Thông tư số 39/2012/TT-BCA. Theo đó, có quy định về Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình, tại Điều 3 Thông tư này.
Trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình. Buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định chi tiết về nguyên tắc quản trại giam đối với những tử tù này như sau: Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày (nếu người bị kết án tử hình là nữ thì phải bố trí cán bộ quản giáo nữ phụ trách).
Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24 giờ); mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân; trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.
Thực tế, Thông tư này đã dự liệu hết các trường hợp có thể xảy ra tại trại giam giành cho tử tù bởi các đối tượng này đều rất manh động, ngoài ra đang trong thời gian chờ đợi thi hành án nên các đối tượng này rất dễ bất chấp làm liều. Nếu quản trại làm đúng theo quy trình, thủ tục đã quy định thì phạm nhân rất khó để có thể tự tử, đặc biệt với hình thức treo cổ.
Trước sự việc có tử tù treo cổ tại buồng giam, cần phải tiến hành điều tra rõ tất cả các đối tượng liên quan bao gồm các tù nhân khác và cán bộ quản giáo, giám thị trại giam. Rà soát tất cả các quy trình nếu phát hiện thấy vi phạm cũng như bỏ sót các quy trình quản lý, giám sát thì tuỳ vào mức độ mà có thể đưa ra các biện pháp xử lý. Đối với những sai sót nhỏ có thể áp dụng các chế tài kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỉ luật từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp, cách chức…
Nếu sai phạm nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ có thể bị tước danh hiệu Công an nhân dân, thậm chí bị truy tố theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng