Khung pháp lý đối với hành vi xâm hại tình dục ở trẻ em

0
642

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về khung pháp lý đối với hành vi xâm hại tình dục ở trẻ em. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Xâm hại tình dục là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội trong nhiều năm gần đây, tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Theo luật sư, chúng ta cần có một khung pháp lý như thế nào để xử phạt thật nghiêm những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em?

Luật sư trả lời:

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày nay thì liên tục có những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện và xử lý. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, bị xâm hại và cần được chăm sóc trong xã hội, vì vậy cần có khung pháp lý mang tính răn đe cao hơn để bảo vệ đối tượng này khỏi các hành vi xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục.

Theo quy định Khoản 8 Điều 4 Luật Trẻ em 2016, Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Đây cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em 2016.

Các tội xâm hại tình dục trẻ em được quy định tại Chương XIV (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) gồm 05 Điều:

  • Điều 142: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi;

Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, tùy từng hành vi phạm tội, khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  • Điều 144: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, tùy từng hành vi phạm tội, khung hình phạt cao nhất của tội này là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  • Điều 145: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi;

Tùy từng hành vi phạm tôi, khung hình phạt cao nhất của tội này là bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm; Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  • Điều 146: Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi;

Khung hình phạt cao nhất của tội này là bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm, đối với các trường hợp: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Làm nạn nhân tự sát.

Tùy từng hành vi phạm tội, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  • Điều 147: Tội sử dụng người dưới 16 tuổivào mục đích khiêu dâm.

Phạm tội trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; có mục đích thương mại; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Tùy từng hành vi phạm tội, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

2. Theo luật sư, vì sao vấn nạn xâm hại tình dục ở trẻ em vẫn liên tục gia tăng? Phải chăng chế tài xử phạt của chúng ta chưa nghiêm và chưa thỏa đáng?

Luật sư trả lời:

Như đã phân tích ở trên, khung pháp lý xử phạt đối tượng xâm hại tình dục trẻ em được quy định khá rõ ràng, đầy đủ và mang tính răn đe tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân mà không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có đầy đủ căn cứ pháp lý để giải quyết.

Đầu tiên là do hiện nay mạng internet phát triển, tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet, … theo đó, dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.

Thứ hai, khi phát hiện con/cháu mình bị xâm hại, nhiều bậc cha mẹ còn ngần ngại báo cho các cơ quan chức năng vì nghĩ rằng có thể ảnh hưởng đến danh tiếng gia đình, tâm lý con trẻ hay có thể bị đe dọa.

Thứ ba, đặc điểm của các vụ xâm hại tình dục trẻ em phần lớn xảy ra ở những nơi kín đáo, vắng vẻ, không có người chứng kiến, nhiều trẻ em là nạn nhân khi tuổi còn quá nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ sự việc.

Do đó, để hạn chế vấn nạn xâm hại tình dục ở trẻ em, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền nên có những biện pháp để bảo vệ cả những đứa trẻ bị xâm hại và gia đình của trẻ để họ dũng cảm tố cáo và đấu tranh với hành vi này.

Thứ hai, gia đình cần tuyên truyền, trang bị cho trẻ em, đặc biệt các bé gái phải nhận diện, cảnh giác đối với những hành vi bị xâm hại.

Đồng thời, xã hội cũng cần có những nhìn nhận đúng đắn và nhân văn đối với những nạn nhân rơi vào trường hợp như vậy trong tương lai, thay vì bàn tán, trêu trọc, khắt khe đánh giá thì phải lên án chính đối tượng phạm tội.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật sâu rộng đến người dân, cụ thể là các chế tài của pháp luật quy định về loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.