Luật Doanh nghiệp 2005 được xây dựng trên các quan điểm chủ đạo nào?

0
385

     Luật Doanh nghiệp 2005 được xây dựng trên các quan điểm chủ đạo sau đây:

    Một là: Quán triệt đầy đủ các tư tưởng, nội dung và thể chế hoá sâu sắc đường lối đổi mới và các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, nhất là chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, coi các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chính sách phát huy tối đa nội lực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

    Hai là: Đẩy mạnh thực hiện nhất quán chủ trương cổ phần hoá và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; đổi mới một cách căn bản chức năng, nhiệm vụ và phương thức quản lý doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện và động lực để doanh nghiệp nhà nước huy động thêm được vốn đầu tư từ bên ngoài, tiếp thu và đổi mới công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại; qua đó, cải thiện và nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp nhà nước nói riêng và của khu vực kinh tế nhà nước nói chung.

    Ba là: Kế thừa và phát triển thêm những đổi mới và tiến bộ về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp đó đạt được trong các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là Luật Doanh nghiệp 1999.

    Bốn là: Tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển quyền tự do kinh doanh. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm; có quyền tự chủ và phải tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh; được lựa chọn, thay đổi hình thức tổ chức quản lý nội bộ, hình thức đầu tư-kinh doanh phù hợp và được nhà nước bảo hộ. Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, áp dụng phổ biến chế độ đăng ký (thay cho cấp phép), xoá bỏ những quy định “xin- cho”, “phê duyệt”, “chấp thuận” bất hợp lý, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

    Năm là: Tiếp tục đổi mới chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi việc khuyến khích, hướng dẫn và trợ giúp là một trong những chức năng chính; coi nhà đầu tư và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Những quy định trước đây có lợi cho doanh nghiệp thì được tiếp tục thực hiện trong thời hạn đã cam kết trước đó. Tôn trọng quyền của doanh nghiệp trong tổ chức quản lý nội bộ, tự chủ thỏa thuận và định đoạt các quan hệ nội bộ phù hợp pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế. Đồng thời đảm bảo cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền kiểm tra việc chấp hành luật pháp của các doanh nghiệp.

    Sáu là: Nội dung của Luật Doanh nghiệp 2005 phải phù hợp với những điều ước quốc tế mà nước ta đã cam kết trong các thỏa thuận đa phương và song phương, nhất là các nguyên tắc cơ bản như “Đối xử quốc gia” và “Tối huệ quốc”. Đồng thời, phải đón trước được xu thế hội nhập, góp phần xây dựng và tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, đủ mức hấp dẫn và cú sức cạnh tranh so với khu vực, là một bước tiến quan trọng trong lộ trình hội nhập WTO.

Ban biên soạn

1. Luật gia: Cao Bá Khoát

2. Luật sư: Trần Hữu Huỳnh