Những điểm đổi mới chủ yếu của Luật Doanh nghiệp 2005 so với Luật Doanh nghiệp 1999?

0
530

Những điểm đổi mới chủ yếu của Luật Doanh nghiệp 2005 so với Luật Doanh nghiệp 1999 là:

1. Về đối tượng áp dụng: Luật Doanh nghiệp 2005 điều chỉnh và áp dụng thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhóm công ty;

2. Xác định cụ thể thời hạn (chậm nhất là bốn năm) kết thúc quá trình chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;

3. Một cá nhân được quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, thay vì ít nhất phải có hai người như hiện nay

4. Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục, giảm chi phí gia nhập thị trường. Kết hợp và thống nhất đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư; nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, khi đăng ký kinh doanh gắn với dự án đầu tư cụ thể sẽ thực hiện đăng ký đầu tư đồng thời với đăng ký kinh doanh. Đồng thời, tăng thêm các quy định về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp để ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ lạm dụng thành lập doanh nghiệp không nhằm mục đích kinh doanh, doanh nghiệp không hoạt động mà không làm thủ tục giải thể theo quy định, v.v… qua đó, làm lành mạnh thêm môi trường kinh doanh ở nước ta;

5. Bãi bỏ khống chế mức sở hữu đối với đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp ở nước ta, trừ các ngành nghề hạn chế kinh doanh;

6. Các nhà đầu tư nước ngoài được quyền tự chủ lựa chọn loại hình doanh nghiệp để kinh doanh; không bị bắt buộc phải sử dụng duy nhất hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn như hiện nay;

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền tự chủ cao hơn trong thực hiện kinh doanh, trong tổ chức lại doanh nghiệp, trong mở rộng và đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh; doanh nghiệp đa dự án sẽ thay thế doanh nghiệp đơn dự án như hiện nay;

8. Khung quản trị được quy định thống nhất đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đối với doanh nghiệp sở hữu tư nhân và doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước;

9. Đổi mới cơ bản cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó, tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý hành chính nhà nước, thực hiện tập trung và thống nhất các quyền chủ sở hữu, đồng thời, tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh

nghiệp;

10. Tăng cường, củng cố thêm các quyền của thành viên, cổ đông; bảo vệ mạnh hơn quyền và lợi ích của thành viên, cổ đông thiểu số;

11. Tăng cường thêm các quy định quản lý vốn, hạn chế nguy cơ lạm dụng nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn;

12. Tăng thêm quy định yêu cầu công khai và minh bạch hoá, nhất là đối với những người quản lý;

13. Thiết lập chế độ thù lao, tiền lương gắn với kết quả và hiệu quả kinh doanh của công ty;

14. Xác định rõ hơn các nghĩa vụ của người quản lý, nhất là đối với thành viên Hội đồng quản trị và giám đốc, đặc biệt là nghĩa vụ trung thành, trung thực và cẩn trọng;

15. Nâng cao, tăng cường và quy định cụ thể hơn vai trò, vị trí và trách nhiệm của Ban kiểm soát;

16. Quy định cụ thể và rõ ràng hơn cơ chế và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Nhìn tổng quát, nội dung của Luật Doanh nghiệp 2005 đã tuân thủ đúng các tư tưởng chỉ đạo nêu trên. Dư luận xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao nội dung của Luật.

Biên soạn :

Luật gia Cao Bá Khoát

Luật sư Trần Hữu Huỳnh

Xem thêm: Dịch vụ luật sư doanh nghiệp uy tín

Xem thêm: Luật sư giải quyết tranh chấp kinh doanh