Những điểm mới của Luật doanh nghiệp 2015

0
671

1.Hạn chế của Luật doanh nghiệp 2005

Năm 2005, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, tiếp tục tạo ra bước đột phá, góp phần tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh của người dân.

Theo Luật Doanh nghiệp 2005, tất cả những giấy phép (GP), điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không được quy định tại Luật, Pháp lệnh, Nghị định của CP sẽ tự hết hiệu lực từ 1-9-2008.

Việc quy định GP, ĐKKD là một trong những công cụ quản lý của Nhà nước nhưng lại được trao cho các Bộ ban hành và triển khai áp dụng đã tạo nên tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Do đó cuộc chiến “nói không với giấy phép” dường như thắng thế và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thành lập mới và mở rộng hoạt động. Tuy nhiên sau gần 9 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập:

Chưa có quy định đầy đủ, đồng bộ, cụ thể, chặt chẽ và hữu hiệu về góp vốn thành lập DN. Tại Điều 6 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật DN quy định thời hạn góp vốn của cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua trong công ty cổ phần là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, trong khi thời hạn góp vốn đối với thành viên của công ty TNHH lại là trong vòng 36 tháng. Việc quy định thời hạn góp vốn quá dài như vậy dẫn đến việc nhiều công ty TNHH không trung thực trong việc góp vốn bằng cách “khai khống”, “khai ảo” vốn điều lệ, lợi dụng kẽ hở này để tham gia các dự án, giao dịch có giá trị lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, không rõ ràng, minh bạch; thiếu cơ chế kiểm soát chặt chẽ sau đăng ký DN cho nên doanh nghiệp hoạt động thế nào không hay, hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động mà không biết.

Quy định về việc ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN quá chi tiết, rườm rà.

Bất hợp lý trong quy định về quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp: quy định về quản lý con dấu của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay được áp đặt như việc quản lý con dấu của các cơ quan nhà nước. Con dấu của cơ quan nhà nước thể hiện quyền lực của Nhà nước nên phải được quản lý chặt chẽ. Song con dấu của doanh nghiệp phải được coi là “tài sản của doanh nghiệp” do đó nó phải do doanh nghiệp quyết định về hình thức, nội dung và công tác quản lý.

Trong Luật DN quy định về công ty hợp danh có bất cập là: (1) Các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình, còn các thành viên góp vốn thì chịu trách nhiệm hữu hạn, trong phạm vi số vốn đã góp vào Cty. (2) Tại điểm c khoản 2 Điều 140 lại quy định thêm một hạn chế quan trọng đối với thành viên góp vốn là: Không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty. Với quy định này, rất khó có thể có thành viên góp vốn trong công ty hợp danh. Bởi khi góp vốn vào Cty hợp danh, người góp vốn sẽ chịu rủi ro cao hơn nhiều so với khi cho vay hoặc gửi tiền tiết kiệm. Hơn nữa thành viên góp vốn không được quản lý công ty do đó họ sẽ chịu rủi ro rất lớn nếu các thành viên hợp danh hoạt động không có hiệu quả, người góp vốn chẳng những không thu được lãi mà có thể bị mất vốn góp.

2. Những điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới tích cực. Những quy định này đã thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp. Sau đây là những thay đổi đáng chú ý:

Luật Doanh nghiệp 2014 đã tách riêng thủ tục thành lập doanh nghiệp với các thủ tục về đầu tư dự án. Với nhà đầu tư nước ngoài, Luật đã tách giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp và chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không bắt buộc ghi ngành nghề kinh doanh.

Tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa phát sinh, do vậy Luật đã tách biệt rõ giữa thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh. Trước đây có một số ngành nghề không rõ ràng giữa thành lập doanh nghiệp và kinh doanh có điều kiện ví dụ như lĩnh vực y tế, bắt buộc cá nhân thành lập doanh nghiệp thì giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề. Nhưng theo Luật Doanh nghiệp 2014, cá nhân cứ thành lập doanh nghiệp, còn điều kiện về ngành nghề kinh doanh, cá nhân phải tuân thủ mới được làm. Quy định đó tạo sự thân thiện hơn cho khởi nghiệp và kinh doanh nói chung.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ quy định đề nghị doanh nghiệp cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Theo Luật này, doanh nghiệp được tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động kinh doanh. Các công ty thương mại và phân phối sẽ không cần cung cấp hàng nghìn mã ngành cho sản phẩm thương mại của mình như trước.

Về vấn đề vốn, nhằm giải quyết những vướng mắc, tranh chấp phát sinh trong thực tiễn áp dụng các quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005. Theo đó Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014 đã có áp dụng thống nhất thời hạn phải thanh toán đủ phần vốn góp là 90 ngày đối với tất cả loại hình doanh nghiệp khi thành lập công ty; Thống nhất các khái niệm về vốn công ty cổ phần như cổ phần đã bán, cổ phần được quyền chào bán và cổ phần chưa bán.

Về vấn đề con dấu của doanh nghiệp, trước đây việc cấp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an quy định thì nay theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; đồng thời, có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên theo xu hướng phát triển phương thức giao dịch điện tử, thì việc dùng con dấu sẽ không còn ý nghĩa nữa. Vì vậy, việc cải cách về con dấu là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Theo Luật Doanh nghiệp 2014 vừa mới được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là doanh nghiệp nhà nước, thay vì chỉ 51% như hiện nay. Sự thay đổi này có thể mang lại sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp khi mà Nhà nước chỉ được can thiệp vào hoạt động của những doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Định nghĩa mới có thể thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của Nhà nước tại các DNNN hiện nay. Nhưng cần nhấn mạnh rằng việc thoái vốn này sẽ phụ thuộc vào quyết tâm và kế hoạch của Nhà nước chứ không chỉ ở nội dung của điều luật.

Khoản 2,3 điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:

Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.

Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Giảm tỷ lệ dự họp từ 65% (Luật cũ) xuống còn 51%. Khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết là cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành. Đồng thời luật quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập, không tham gia điều hành trực tiếp doanh nghiệp; Bãi bỏ việc Đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp Chủ tịch hội đồng quản trị.

>>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư doanh nghiệp