Luật sở hữu tài sản qui định -Có nên thu hồi những phương tiện giao thông cũ nát?

0
361

Trong chuyên mục bạn và pháp luật trên VOV 1, Đài tiếng nói Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW trao đổi với nội dung Luật sở hữu tài sản qui định -Có nên thu hồi những phương tiện giao thông cũ nát?

Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội đang ở mức báo động. Một trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó có khói bụi từ các phương tiện cũ nát thải ra. Chính vì thế, mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố sẽ nghiên cứu để thu hồi xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải; UBND TP cũng đề xuất sẽ bỏ ra khoản tiền hỗ trợ để thu hồi xe máy đã quá hạn sử dụng như một giải pháp. Tuy nhiên, dư luận còn băn khoăn về đề xuất rất cần thiết này không dễ để thực hiện vì muốn xác định xe quá hạn sử dụng (quá đát) để thu hồi thì cần phải được kiểm định, trong khi đến nay chưa có quy định về kiểm định xe máy. Thực tế thì việc thu hồi xe máy quá cũ, nát đã được Bộ Giao thông – Vận tải và nhiều ngành đặt vấn đề từ lâu bởi đây là nguy cơ gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chỉ “nằm” trên giấy. Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội 1 lần nữa nhắc lại việc thu hồi xe quá đát đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Xung quanh vấn đề này Chuyên mục Bạn và pháp luật tuần này luật sư Nguyễn Thanh Hà – Văn phòng luật sư SBLAW- đoàn luật sư thành phố Hà Nội sẽ giải đáp một số vấn đề mà dư luận quan tâm. Xin cảm ơn luật sư đã nhận lời tham gia cùng chúng tôi.

Vâng, thưa quí vị, thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà! Đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội- Ông Nguyễn Đức Chung đang có rất nhiều ý kiến trái chiều của thính giả xung quanh vấn đề này. Có những ý kiến đồng tình và cũng không ít ý kiến không đồng tình. Vậy còn ý kiến của cá nhân luật sư Nguyễn Thanh Hà thì sao?

Xét về tình hình thực tế tại Hà Nội hiện nay thì tôi cho rằng quyết định thu hồi các loại xe quá đát của UBND Thành phố là hoàn toàn cần thiết bởi việc sử dụng những loại xe này không chỉ gây ảnh hưởng tới ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Trên thực tế, bất kỳ thiết bị nào cũng có “tuổi thọ trung bình” riêng, khi được sử dụng nhiều năm/ quá hạn thì các bộ phận của phương tiện sẽ không còn duy trì được công dụng ban đầu, từ đó gây mất an toàn cho người sử dụng.

Thực tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; trong đó thời điểm thu hồi, xử lý đối với các phương tiện giao thông là từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, hiện nay đa số các phương tiện giao thông cũ (đặc biệt là xe máy) đều do những người lao động có thu nhập thấp sử dụng để mưu sinh. Do đó, nếu tiến hành thu hồi thì họ sẽ không còn phương tiện để mưu sinh, mặt khác để mua được một chiếc xe mới lại vượt quá khả năng tài chính của họ. Hơn nữa, xe máy là tài sản thuộc quyền sở hữu của công dân nên nếu tiến hành thu hồi với lý do để bảo vệ môi trường là chưa hợp lý. Vì vậy, để có thể xử lý triệt để vấn đề này thì các cơ quan chức năng cần phải cân nhắc để có những tác động hợp lý, thận trọng.

Hiện nay chúng ta chưa có qui định cụ thể đối với niên hạn sử dụng của loại phương tiện này cũng như chưa có qui định kiểm định từ chất thải xe máy cũ, điều này phải chăng cũng là lý do mà khiến gây ra nhiều ý kiến trái chiều như vậy không thưa ông?

Thực tế Chính phủ mới chỉ ban hành Nghị định quy định về niên hạn sử dụng đối với một số loại xe ô tô mà chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng đối với xe máy. Do không có quy định cụ thể của pháp luật nên rất khó để xác định thế nào là xe máy cũ/ hết niên hạn. Vì vậy, việc cần thiết hiện nay là các cơ quan chức năng phải xem xét, nghiên cứu để trình Chính phủ, kịp thời ban hành quy định pháp luật về niên hạn đối với xe mô tô, xe máy.

Quan điểm của ông như thế nào khi mà vấn đề thu hồi xe máy cũ có liên quan đến vấn đề pháp luật như quyền sở hữu tài sản chẳng hạn?

Như tôi đã trình bày ở phần trên, việc nhà nước ra quyết định thu hồi xe máy là tài sản của người dân cần được thực hiện khéo léo bởi theo quy định tại Khoản 1 Điều 163 Bộ luật dân sự 2015, không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Do đó, theo tôi để có thể giải quyết vấn đề này vừa hợp pháp, vừa hợp lý thì cơ quan nhà nước cần áp dụng đúng đắn các quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản; bồi thường cho người dân tương ứng với giá trị tài sản bị trưng mua, trưng dụng.

      Việc hạn chế những chiếc xe cũ nát lưu hành trên các thành phố lớn là một việc làm cần thiết, chủ trương này không mới. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ 100% của các cơ quan chức năng và của người dân. Theo luật sư vấn đề này nằm ở đâu?

Thực ra chủ trương này không hẳn là chưa nhận được sự ủng hộ từ phía các cơ quan chức năng và người dân, theo một số các nhận định được báo chí đưa tin, tôi nhận thấy rằng chủ trương này cũng được mọi người hết sức quan tâm và hưởng ứng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hiện nay do pháp luật chưa có quy định về niên hạn sử dụng xe máy cũng như sự khó khăn trong việc kiểm định xe máy. Do đó, để chủ trương này được thực hiện một cách hiệu quả thì cần khắc phục được những yếu tố trên, bao gồm ban hành quy định pháp luật và đầu tư xây dựng các trung tâm kiểm định. Giai đoạn này đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, chủ trương này chắc chắn sẽ gặp trở ngại từ phía xã hội, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Chính vì thế, trước khi thực hiện cần làm tốt công tác chuẩn bị, có những giải pháp cụ thể để đảm bảo cuộc sống của người dân.

Theo ông thì chúng ta có nên đề xuất qui định cụ thể về kiểm tra chất lượng đối với xe máy hay không? Và khó khăn trong công tác này như thế nào một khi mà lượng xe máy ở Việt Nam quá lớn?

Trên thực tế, để có thể ban hành văn bản quy định về niên hạn sử dụng xe máy thì cần có căn cứ về kiểm định kỹ thuật. Do đó tôi cho rằng việc ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật cũng như đầu tư nhiều trung tâm kiểm định là hoàn toàn cần thiết. Thực trạng số lượng xe máy ở Việt Nam quá lớn sẽ gây khó khăn nhất trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không thể thực hiện. Tôi cho rằng việc này đòi hỏi sự quyết tâm lớn từ các cơ quan quản lý.

Thưa quí vị, thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà ! Thời gian qua, Chuyên mục “Bạn và pháp luật” đã nhận được nhiều câu hỏi xung quanh chủ trương mà Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là sẽ có phương án nghiên cứu thu hồi hàng triệu xe máy cũ nát để đảm bảo an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Anh Nguyễn Quân ở Thanh Oai- Hà Nội gửi câu hỏi về chuyên mục có nội dung như sau: Xe máy hiện nay quyền đăng ký sở hữu là tài sản của người dân, chứ không phải cứ nói thu hồi là thu hồi được. Để giải thích câu hỏi của anh Nguyễn Quân thì ý kiến của luật sư thế nào?

Câu hỏi này của bạn Quân thì tôi đã có trình bày qua ở phần trên, theo quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự 2015 thì không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản của mình. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước sẽ tiến hành trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường. Như vậy, với mục đích để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng tránh tai nạn giao thông thì nếu áp dụng quyết định “thu hồi” là không phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự.

Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà. Chúng tôi rất tâm đắc với câu hỏi của một bạn có tên là Nguyễn Mai Anh gửi cho đến chương trình như thế này: họ cho rằng là nên giảm thuế nhập khẩu xe máy để người dân nghèo có thể mua được chiếc xe máy mới thay thế chiếc xe cũ nát của họ. Căn cứ vào luật trưng mua và trưng dụng về tài sản Luật sư có đưa ra những giải pháp nào về mặt hành chính?

Theo quy định của pháp luật thì khi Nhà nước tiến hành trưng mua tài sản của cá nhân, tổ chức thì cá nhâ, tổ chức đó sẽ được thanh toán tiền trưng mua tài sản theo giá trị trên thị trường. Ngoài ra hiện nay tôi cho rằng có rất nhiều cách để hỗ trợ những người có thu nhập thấp khi họ có nhu cầu mua xe mới như hỗ trợ vay để mua xe trả góp với lãi suất ưu đãi hoặc tại từng địa phương có thể tạo cơ hội việc làm cho người dân.

Khi Hà Nội thu hồi 2,5 triệu xe máy thì chúng ta sẽ gặp những khó khăn như thế nào thưa luật sư? Để làm việc này thì cần xây dựng hệ thống văn bản qui phạm pháp luật như thế nào trong đánh giá phân loại các xe máy cũ nát hiện nay cần phải loại bỏ?

Khó khăn nhất đối với các cơ quan quản lý chính là không có văn bản quy phạm pháp luật quy định về niên hạn sử dụng của xe máy, xe mô tô. Mặt khác hiện nay, để có thể đánh giá được một chiếc xe là cũ hay mới, còn phù hợp hay không là rất khó và cần có thời gian kiểm định. Nếu các cơ quan quản lý chỉ đánh giá bằng mắt thường thì khó có thể phát hiện được.

Do đó, trước mắt các cơ quan ban ngành cần xác định được 02 mục tiêu quan trọng nhất là ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về niên hạn sử dụng và văn bản quy định về kiểm định chất lượng của xe máy. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác quản lý, giám sát chặt chẽ tại từng địa phương bởi chỉ có như vậy mới thực hiện được chủ trương này hiệu quả.

Bạn Hoàng Trung Dũng ở quận Ba Đình đặt câu hỏi như thế này: Nguy cơ mất an toàn giao thông, gây khói bụi hay cháy nổ từ những chiếc xe quá cũ nát thì rất dễ nhận thấy. Tuy nhiên việc cho rằng những chiếc xe có tuổi thọ trên dưới 20 năm thuộc những xe phải thu hồi liệu có thỏa đáng hay không khi mà có những chiếc xe tuy đã lâu năm nhưng rất ít sử dụng ví dụ như xe của tôi vậy?

Đúng là trên thực tế có rất nhiều loại xe đã lâu nhưng ít khi được sử dụng hoặc cũng có những xe cũ đã quá niên hạn song được chỉnh sửa, thay thế một số bộ phận nên nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ không thể phân biệt được. Chính vì vậy mới cần thiết phải ban hành văn bản quy định về kiểm định chất lượng xe máy để có những đánh giá khách quan, đồng thời làm căn cứ để xây dựng quy định pháp luật về niên hạn sử dụng xe.

Thưa các bạn. Thưa các đồng chí, thưa các bạn! Năm 2010, đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy đã được ban hành, nhưng đến nay, hầu hết các mục tiêu trong đề án đều không đạt được và kéo theo đó, việc kiểm soát xe gắn máy quá cũ nát cũng đang bế tắc. Một vấn đề nữa là xe gắn máy hiện vẫn đang là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân Việt Nam; Vấn đề kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy chưa được quy định bắt buộc trong Luật Giao thông đường bộ, thì việc thu hồi 2,5 triệu xe máy cũ nát đang là việc làm hết sức khó khăn. Những ý kiến nhiều chiều đã phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau trước một chủ trương đúng đắn góp phần tìm ra tiếng nói đồng thuận, thống nhất; nhằm xây dựng một hệ thống các giải pháp mang tính khả thi cao. Những luật lệ chưa có cần phải bổ sung, hoàn thiện để luật đi vào cuộc sống. Vấn đề còn lại là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân; đặc biệt là dân nghèo. Trong đó chính quyền thành phố cũng cần tính đến việc hỗ trợ người nghèo bị thu hồi xe máy cũ nát sao cho hợp lý.  Đến đây, chúng tôi xin dừng cuộc trao đổi. Cảm ơn luật sư Nguyễn Thanh Hà đã tham gia, cảm ơn các đồng chí và các bạn đã quan tâm theo dõi.