Trong vụ việc Kiệu bay làng Xuân Đỉnh đâm vỡ xe Kia Morning tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thanh Hà, công ty luật SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn phóng viên báo Công Lý về trách nhiệm của những người dùng kiệu đâm vào xe như sau:
Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, hành vi dùng kiệu húc vỡ xe ô tô người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
1.Về trách nhiệm hành chính.
Theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội;phòng cháy và chữa cháy;phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có thể bị Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
Ngoài ra, cơ quan chức năng có có thể áp dụng hình phạt bổ sung là Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
2. Về trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, nếu các cơ quan chức năng nhận thấy có dấu hiệu tội phạm thì có thể khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 1 điều 143 Bộ Luật hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản,
Cụ thể như sau:
‘…Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”
Thêm vào đó, những người thực hiện hành vi hủy hoại tài sản người khác còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của chiếc xe, bồi thường thiệt hại bằng việc sửa chữa phần kính bị hư hại và các phần khác của xe bị hư hỏng.