Nhận lời mời của phóng viên của kênh tài chính Cafef, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phóng viên Cafef, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
PV: Việc những miếng vàng SJC có số xêri một ký tự chữ (ký tự chữ nằm trước dãy số xêri) khi khách hàng mua công ty sẽ trừ 40.000 đồng/lượng có đúng với các quy định hiện hành hay không?
Luật sư Trả lời:
Thứ nhất, cần xác định hành vi trong trường hợp này là hành vi của cơ sở kinh doanh vàng, mà cụ thể là SJC, hành vi đó là SJC mua lại vàng miếng SJC có số xêri 1 ký tự chữ (ký tự nằm trước dãy số xêri) với giá trừ đi 40,000 đồng/1 lượng.
Thứ hai, văn bản pháp luật điều chỉnh hành vi này, tính đến thời điểm hiện tại là những văn bản sau đây:
– Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
– Thông tư số 16/2012/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
– Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Đối chiếu hành vi của SJC thực hiện với các văn bản pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng miếng thì không có quy định nào quy định cụ thể về việc cơ sở kinh doanh vàng có được trừ tiền khi mua lại vàng hay không. Mà các văn bản nêu trên chỉ quy định việc mua bán vàng miếng phải được thực hiện tại cơ sở được phép kinh doanh vàng miếng, phải được thực hiện bởi cơ sở được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho mua bán vàng miếng. Và giá mua bán vàng miếng phải được niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch.
Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh vàng miếng cũng không liệt kê hành vi mua lại vàng miếng mà trừ tiền so với giá đã bán là một hành vi vi phạm để bị xử phạt hành chính.
Do vậy, căn cứ theo các văn bản pháp luật hiện hành về kinh doanh vàng miếng thì tính đến nay, vẫn chưa có quy định nào chỉ rõ hành vi trừ tiền khi mua lại vàng miếng của cơ sở kinh doanh vàng miếng là trái với quy định của pháp luật, nếu như cơ sở đó đã tuân thủ đúng quy định là niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.
PV: Theo lý giải của lãnh đạo SJC trong bài ông thấy có hợp lý không?
Luật sư trả lời:
Câu hỏi này, tôi trả lời với quan điểm cá nhân.
Tôi cho rằng lý giải của lãnh đạo SJC là không hợp lý trong mối quan hệ với người tiêu dùng. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi này không trái luật vì cho đến nay vẫn chưa có quy định của pháp luật cụ thể cấm cơ sở kinh doanh vàng miếng trừ tiền khi mua lại vàng miếng, nhưng xét về quan hệ với người tiêu dùng thì cơ sở kinh doanh vàng đã không công bằng với người tiêu dùng – những khách hàng thân thiết và tín nhiệm vàng của cơ sở. Cơ sở kinh doanh vàng miếng không thể lấy lý do là không tiêu thụ được, phải xin phép gia công lại nên tốn kém về chi phí để đẩy cục chi phí đó sang cho người tiêu dùng. Như vậy là không công bằng với khách hàng. Theo tôi, bài toán trong trường hợp này là vấn đề chi phí. Nên cơ sở kinh doanh vàng miếng nên lựa chọn một hoặc một số giải pháp khác để giải quyết bài toán chi phí của mình, hơn là đẩy sự thua thiệt đó sang cho khách hàng của mình.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự độc quyền của SJC mới khiến người tiêu dùng bị đẩy vào thế bị động và thiệt như thế, ông có bình luận gì không?
Luật sư trả lời:
Câu hỏi này, tôi vẫn chỉ nêu quan điểm cá nhân của mình.
Nói SJC độc quyền kinh doanh vàng miếng cũng không đúng. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì cứ đáp ứng đủ điều kiện luật định về kinh doanh vàng miếng và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép là được thực hiện hoạt động kinh doanh vàng miếng. Theo nguồn của Ngân hàng Nhà nước thì tính đến nay đã có 31 cơ sở kinh doanh vàng miếng được cấp phép, bao gồm các công ty chuyên kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng.
Người tiêu dùng trong vai trò là khách hàng có quyền lựa chọn để giao dịch với một trong số 31 cơ sở này chứ không phải chỉ có thể giao dịch với mỗi SJC. Chỉ có điều, trường hợp này, vàng SJC thì bán lại cho SJC sẽ là được giá hơn so với bán cho cơ sở khác. Thế nhưng chính SJC lại vì lợi ích của mình mà tạo ra sự thiệt hại cho khách hàng của mình.
PV: Ở góc độ pháp lý, theo ông, khách hàng nên làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình
Luật sư trả lời:
Như tôi đã viện dẫn ở trên, về mặt pháp lý, hành vi của SJC không phạm vào điều cấm của pháp luật hiện hành nên cũng không có căn cứ để xác định SJC làm trái pháp luật.
Về mặt pháp lý, quan hệ giữa SJC và người tiêu dùng là quan hệ bán – mua vàng miếng giữa cơ sở kinh doanh vàng miếng được cấp phép với khách hàng. Do vậy, khách hàng tự bảo vệ mình bằng cách quyết định có tham gia hay không tham gia vào quan hệ này với bên bán là SJC mà thôi. Hoặc có thể trong thời điểm SJC đang áp dụng chính sách trừ tiền khi mua lại vàng miếng thì khách hàng của SJC có thể quyết định chưa tham gia vào giao dịch bán lại vàng miếng đó cho SJC.