Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời vnexpress.net về hồ sơ Panama

0
344

Liên quan tới sự kiện Việt Nam xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama với 189 cá nhân, tổ chức cùng 19 công ty đăng ký trụ sở ở các thiên đường thuế, phóng viên báo điện tử Vnexpress đã có bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Câu hỏi: Luật sư đánh giá thế nào về sự kiện này dưới góc nhìn pháp lý?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật ngân hàng và thuế thì một tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoàn toàn có quyền đầu tư ra nước ngoài, kể cả đầu tư ở các thiên đường thuế nếu doanh nghiệp và tổ chức đó tuân thủ các điều kiện và quy trình sau:
Bước 1: Doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư và xin Cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài tại Bộ kế hoạch và đầu tư.
Bước 2: Khi đã có Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư sẽ liên hệ với Ngân hàng nhà nước để xin Giấy phép mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài, khi có Giấy phép này thì nhà đầu tư sẽ liên hệ với một ngân hàng thương mại tại Việt Nam để mở tài khoản này, mục đích của việc này là giúp các cơ quan nhà nước kiểm soát nguồn ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bước 3: Sau khi tiến hành các thủ tục nêu trên thì nhà đầu tư có thể tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài hơp pháp và cũng có thể thu lợi nhuận về Việt Nam.
Tóm lại, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, việc đầu tư ra nước ngoài được quản lý tương đối chặt chẽ và phù hơpj với các tập quán đầu tư quốc tế.
Trong hồ sơ Panama rò rỉ ra, chúng ta thấy có một số nhà đầu tư Việt Nam bị nêu tên, tuy nhiên, chúng ta chưa thể kết luận là những nhà đầu tư này đầu tư ra nước ngoài là phạm pháp.
Nếu các nhà đầu tư nêu trên tuân thủ các quy định về pháp luật đầu tư và pháp luật ngoại hối như đã nêu trên thì việc đầu tư là hoàn toàn hợp pháp và nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát.
Còn nếu nhà đầu tư không tuân thủ các quy định của pháp luật, đầu tư mà không xin Giấy chứng nhận đầu tư, không mở tài khoản vốn đầu tư, việc chuyển vốn ra nước ngoài và lợi nhuận về Việt Nam hoàn toàn dưới hình thức bất hợp pháp thì các nhà đầu tư này mới vi phạm pháp luật.

Câu hỏi: Việt Nam có thể coi đây là một căn cứ pháp lý để xử lý vấn đề rửa tiền, trốn thuế, gian lận thuế đối với những cá nhân có tên trong hồ sơ panama không hay chỉ có thể xem đó là một nguồn tham khảo để nhà chức trách VN vào cuộc điều tra?
Trả lời: Như tôi đã phân tích ở trên, không phải là cứ có tên trong danh sách Panama là kết luận những doanh nghiệp này có hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi trốn thuế, gian lận thuế và chuyển tiền mà theo tôi, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần xem xét đây là một nguồn tham khảo để tiến hành điều tra theo thẩm quyền.
Qua quá trình nghiên cứu và tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi được biết là có rất nhiều thương hiệu lớn của thế giới cũng tận dụng những ưu đãi của thiên đường thuế để lập công ty tại đây, sau đó lấy những công ty này đi đầu tư tại các quốc gia khác.
Việc mở công ty tại các thiên đường thuế có lợi là thủ tục tương đối đơn giản và đặc biệt là các vùng lãnh thổ này rất bảo mật thông tin cho nhà đầu tư, họ sẽ không công bố các thông tin liên quan tới cổ đông, thành viên ban giám đốc và đặc biệt là các thông tin về tài chính của doanh nghiệp, bên cạnh đó, mức thuế tại đây luôn là 0%, vì vậy, các nhà đầu tư quốc tế cũng rất hay dùng tư cách pháp lý của những thiên đường thuế này để đi đầu tư ở các quốc gia khác và điều này là hoàn toàn hợp pháp.
Tuy nhiên, cũng có những nhà đầu tư dùng các thiên đường thuế này cho hoạt động rửa tiền, ví dụ như họ có một nguồn thu nhập bất chính từ hoạt động buôn lậu, tham nhũng ở một quốc gia, sau đó, họ sẽ thành lập công ty tại thiên đường thuế, chuyển tiền vào những công ty này và sẽ dùng các công ty tại thiên đường thuế để đầu tư ngược lại vào quốc gia gốc, điều này sẽ giúp hoạt động “rửa tiền” được dễ dàng và nhanh chóng.
Từ những căn cứ pháp lý trên, chúng tôi cho rằng những nhà đầu tư của Việt Nam có nằm trong danh sách không có nghĩa là họ vi phạm pháp luật, chúng ta cần dùng nguồn thông tin này làm tham khảo để giúp cơ quan chức năng kiểm soát và hoàn thiện pháp luật và kiểm soát đầu tư nếu có lỗ hổng.
Câu hỏi: Pháp luật hình sự Việt Nam hiện quy định như thế nào về vấn đề này? Vấn đề này sẽ được xử lý theo những hướng như thế nào?
Trả lời: Hiện nay, Bộ luật hình sự Việt Nam có những quy định về phòng chống các tội phạm về tham nhũng, về kinh tế, tuy nhiên, chúng ta cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trên cơ sở nguồn dữ liệu và thông tin đầy đủ và chính xác thì mới có thể xem xét và khởi tố các tội phạm liên quan theo quy định của pháp luật hình sự.
Ví dụ theo quy định của pháp luật về thuế, một cá nhân nếu có thu nhập tại Việt Nam và nước ngoài thì phải kê khai và nếu thuộc diện phải đóng thuế thì sẽ phải nộp vào ngân sách, tuy nhiên, cá nhân là nhà đầu tư khi đầu tư ra nước ngoài vào các thiên đường thuế, có phát sinh thu nhập nhưng lại không kê khai và nộp thuế thì khi cơ quan thuế phát hiện ra, có thể tiến hành xử lý hành chính, truy thu thuế còn có dấu hiệu phạm tội thì có thể khởi tố về tội trốn thuế.