ANTĐ – Sau khi Báo ANTĐ có bài viết phản ánh về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, một trong những vấn đề “nóng” ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế- xã hội, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà- Giám đốc Công ty Luật S&B về thực trạng này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về những quy định liên quan đến việc kiểm soát việc kinh doanh, tiêu thụ và sử dụng rượu bia hiện nay?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Thực tế, những quy định về kiểm soát rượu bia chủ yếu tập trung vào các sản phẩm do Nhà nước sản xuất và nhập khẩu. Cơ sở nào có giấy đăng ký kinh doanh là được nhập khẩu, lưu hành. Trong khi đó, vấn đề kiểm soát nhu cầu về bia rượu hay hành vi tiêu dùng đang bị bỏ ngỏ, hậu quả là tỷ lệ vị thành niên và thanh niên sử dụng rượu bia gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Mặc dù việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu rượu, bia và đồ uống có cồn đã được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật, nhưng vẫn chưa cụ thể và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc tăng cường quản lý, kiểm tra đối với hành vi buôn bán, nhập khẩu, sản xuất rượu giả, không bảo đảm chất lượng, gây hại cho sức khoẻ cộng đồng.
PV: Thực tế cho thấy nếu không có biện pháp kiểm soát, định hướng, Việt Nam sẽ đón những hậu quả xấu từ bia, rượu?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trong suy nghĩ nhiều người, việc sử dụng rượu bia còn là cần thiết trong mọi hình thức giao tiếp, biếu xén, làm ăn, lễ lạt, hiếu hỷ. Điều đáng nói là xu thế này ngày càng gia tăng và trở nên khó kiểm soát. Ước tính phí tổn do rượu bia bao gồm cả dung nạp và giải quyết hậu quả do rượu bia gây ra chiếm từ 2-8% GDP của nhiều quốc gia. Tác hại của rượu bia đến xã hội đã quá rõ ràng, nhưng hiện nay, việc sử dụng rượu bia vẫn diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 42,7% người đã từng sử dụng rượu bia trước 14 tuổi. Trong nhóm tuổi bị cấm sử dụng rượu bia (14-17 tuổi), 21% cho biết đã từng say. Vì vậy, việc kiểm soát bia rượu là một trong những vấn đề “nóng”, cần được quan tâm, tránh những hệ luỵ lâu dài cho xã hội.
PV:Pháp luật có nên xem xét tình tiết giảm nhẹ cho đối tượng gây án sau khi sử dụng rượu bia?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Không có chuyện xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với các đối tượng gây án sau khi sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác. Điều 14 – Bộ luật Hình sự quy định “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Bởi, bất kỳ một lý do lớn, nhỏ, tiềm ẩn hay bộc phát nào đó, khi đối tượng có chất kích thích trong người và bị tác động bởi một số yếu tố bên ngoài, sẽ không thể kiểm soát được hành vi phạm tội và trở thành tội phạm. Nếu người bị các chất kích thích điều khiển mà xâm phạm thân thể người khác dẫn đến thương tích, sẽ bị pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích”. Nếu tước đoạt đi mạng sống người khác, tội phạm sẽ bị truy cứu về hành vi “giết người”. Pháp luật rất nghiêm minh và kẻ phạm tội đến đâu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đúng với tội danh đã gây ra.
PV: Được biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 244 nhằm phòng chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn đến năm 2020 sẽ không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Đây có phải là biện pháp mạnh để giảm số lượng tiêu thụ rượu, bia của người Việt xuống mức thấp, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo Quyết định này, mục tiêu đặt ra của Chính phủ đến năm 2020 là sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác; đồng thời phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững; tăng cường một số giải pháp như không bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác trên vỉa hè, bán bằng máy bán tự động, bán cho người có biểu hiện say, người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai… Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động cộng đồng không lạm dụng đồ uống có cồn trong đám tang, lễ hội, đám cưới, hộ gia đình không nấu rượu…
Tuy vậy, chúng ta cần đưa ra các giải pháp đồng bộ khác như kiểm soát việc sử dụng, cung cấp, giám sát và xử lý vi phạm về nội dung quảng cáo rượu, bia và đồ uống có cồn; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống hành vi nhập lậu liên quan đến các sản phẩm này. Có như vậy mới giải quyết được những vấn nạn liên quan đến bia, rượu và giảm tỷ lệ lượng rượu, bia mà Việt Nam tiêu thụ xuống mức thấp.