Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói gì về “bút phê” ?

0
431

Trong bài viết của tác giả Huệ Linh trên Báo ANTĐ điện tử có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà từ công ty luật SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:

but-phe
Đau đầu vì… “bút phê”

Vừa qua, câu chuyện về một Thứ trưởng  “bút phê” vào đơn của một đơn vị xin tham gia thực hiện các gói thầu được đưa ra công khai khiến dư luận rất  quan tâm. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ này đã khẳng định “bút phê” không phải là căn cứ ưu tiên trong việc chỉ định thầu, xét thầu, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư….Trong các cơ quan Nhà nước hiện nay, việc “bút phê” diễn ra khá phổ biến, trong đó phần lớn là “bút phê” trên các văn bản hành chính, văn bản đề nghị xin ý kiến hoặc báo cáo của cấp dưới. Sau khi nhận và xem xét các văn bản này, cấp trên nêu rõ quan điểm chỉ đạo của bản thân, cách xử lý. Nếu thấy văn bản không thuộc thẩm quyền của mình, lãnh đạo sẽ phê chuyển đến phòng, ban khác. Bên cạnh đó còn có “bút phê” trên các loại giấy tờ được coi là “nhạy cảm”. Đó là “bút phê” kèm chữ ký của lãnh đạo trên đơn xin dự thầu công trình, đơn xin việc, đơn xin chuyển công tác, đơn xin học cho con… Dù không có tính pháp lý nhưng giá trị của loại “bút phê” này rất lớn.

Chị Nguyễn Thanh Nga, nhân viên ngân hàng chia sẻ, 2 năm trước, khi cậu con trai lớn của chị vào lớp 1, do muốn xin cho con vào trường điểm trái tuyến nên chị Nga phải tìm kiếm mọi mối quan hệ. Sau khi phát hiện ông anh rể có quen biết với một lãnh đạo quận mà trường này trực thuộc, chị Nga đã được “hướng dẫn” làm đơn, sau đó nhờ cậy ông anh “xin” bằng được “bút phê” của vị lãnh đạo trên vào lá đơn. Nhờ vậy mà con chị Nga đã được vào học tại ngôi trường mơ ước.

Thông thường, ở những loại giấy tờ trên, người có chức vụ, quyền hạn dù chỉ “bút phê” chung chung, kiểu như “nhà trường xem xét”, “phòng/ban A lưu ý”…, nhưng đằng sau nó mang đầy tính chất mệnh lệnh quyền lực. Do vậy, hầu hết những người dưới quyền khi thấy “bút phê” đều mặc định đó là ý chí của cấp trên và tuyệt đối tuân thủ.

Nguyên Hiệu trưởng một trường công lập tại Hà Nội (xin được giấu tên) chia sẻ, do phụ trách trường điểm nên trong thời gian công tác, đầu năm học nào bà cũng nhận được hàng chục “thư tay”,  đơn xin học có “bút phê” của lãnh đạo cấp trên. Hầu hết các trường hợp này đều là học sinh trái tuyến nhưng lại muốn vào lớp chất lượng cao nên đã gây áp lực rất lớn cho Ban Giám hiệu. “Bút phê chỉ được ghi theo kiểu “chuyển đồng chí Hiệu trưởng xem xét, giải quyết” nhưng chúng tôi phải coi đó là mệnh lệnh buộc phải thực hiện. Thú thực, mỗi khi nhận được các bút phê kiểu này, tôi vô cùng mệt mỏi, từ chối thì không thể mà giải quyết hết thì rất khó. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện của phụ huynh học sinh vào đầu năm học” – vị này tâm sự.

Không có giá trị pháp lý

Do “bút phê” vô cùng lợi hại nên tình trạng “chạy bút phê” ngày càng phổ biến. Để có được “bút phê” của lãnh đạo, người ta không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn, huy động mọi mối quan hệ, thậm chí còn làm giả “bút phê” và chữ ký của người có chức, có quyền. Cách đây không lâu, tại Đà Nẵng đã phát hiện một số đối tượng giả “bút phê” và chữ ký của 1 lãnh đạo thành phố để gây áp lực với các BQL dự án nhằm mục đích trục lợi, từ nộp tiền đến nhận đất tái định cư. Tại Hà Nội, TAND TP cũng từng  mở phiên tòa xét xử bị cáo Triệu Tài Lâm (trú tại đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) về hành vi giả mạo chữ ký của 1 lãnh đạo TP và một số lãnh đạo các bộ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa, Lâm khai nhận đã làm quen với ông T.Q.H, giám đốc một doanh nghiệp. Biết ông H có khả năng huy động vốn đầu tư vào các dự án, Lâm đã gặp ông H và đề cập khả năng xin được dự án đầu tư khu du lịch. Sau khi ông H có “Đơn xin đầu tư” gửi bị cáo, Lâm đã mạo danh một lãnh đạo TP Hà Nội “bút phê” và ký tên vào góc đơn với nội dung: “Đồng ý theo đề nghị của Công ty”… Với hành vi phạm tội của mình, Nguyễn Tài Lâm đã bị HĐXX  tuyên phạt 7 năm tù giam.

Liên quan đến giá trị pháp lý của “bút phê”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật S&B phân tích, “bút phê” của lãnh đạo là hướng xử lý văn bản đó, có thể là nêu cách giải quyết, đơn vị cấp dưới có trách nhiệm thực hiện. Điều này cũng có nghĩa là họ đã đọc, xem văn bản đó. “Bút phê” không có mẫu chung thống nhất, cũng không có giá trị pháp lý, chỉ mang tính nội bộ. Việc giải quyết công việc liên quan của các đơn vị này phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, luật hiện hành cũng chưa có quy định về “bút phê”.

Tuy vậy, để hạn chế tình trạng “bút phê” tràn lan, bừa bãi như hiện nay, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, các cơ quan cấp trên cần quy định rõ chức năng, quyền hạn của đơn vị cấp dưới, người đứng đầu đơn vị đó và nên chăng mỗi đơn vị bằng nội quy, quy chế của mình phải làm rõ “bút phê” có giá trị đến đâu, trong trường hợp nào thì được “bút phê”… Điều quan trọng nhất là cấp dưới được giao nhiệm vụ không nên căn cứ, phụ thuộc quá nhiều vào “bút phê” mà phải tham mưu cho lãnh đạo, giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về ý kiến, quyết định của mình.

Source:  http://www.anninhthudo.vn/thoi-su/but-phe-khong-gia-tri-phap-ly-nhung-thua-quyen-luc/593445.antd