Luật Việt Nam về kiểu dáng công nghiệp

0
521

Luật sở hữu trí tuệ ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội, khi nó không còn bó hẹp trong bất cứ một phạm vi quốc gia nào. Luật sở hữu trí tuệ đã trở thành công cụ bảo vệ các quyền và lợi ích của người đã sáng tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng như các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích hay ngay cả các bí mật kinh doanh… Pháp luật về sở hữu trí tuệ đã tạo điều kiện cho từng đối tượng của luật đều được quan tâm, chẳng hạn như đối với đối tượng kiểu dáng công nghiệp.

Luật là cơ sở để đảm bảo các sáng tạo về khoa học được tự do phát triển và được công nhận ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là các đóng góp mang trình độ sáng tạo về khoa học và kỹ thuật. Tuy vậy, việc quy định khung pháp lý để bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp không chỉ là vấn đề quan tâm của riêng luật sở hữu trí tuệ mà là vấn đề quan tâm của hệ thống các văn bản, các công ước quốc tế có liên quan tới kiểu dáng công nghiệp.

Không chỉ có vậy mà nó còn đang là vấn đề quan tâm của nhiều quốc gia, bởi việc thường xuyên xảy ra các sao chép về kiểu dáng công nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau đang là vấn đề đáng lo ngại của ngành luật sở hữu trí tuệ. Các đối thủ cạnh tranh dùng nhiều hình thức sao chép các sản phẩm đã có uy tín trên thị trường làm tổn hại tới chủ sở hữu cũng như làm lũng loạn thị trường tiêu dùng, làm cho người tiêu dùng không biết đâu là sản phẩm thật đâu là sản phẩm bị làm nhái.

Để đảm bảo cho chủ sở hữu cũng như người tiêu dùng trong việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm khoa học kỹ thuật thì hệ thống pháp luật về kiểu dáng công nghiệp đã bước đầu được hình thành.

Văn bản pháp luật đầu tiên được ban hành là Nghị Định số 85/ HĐBT ngày 13/05/1988 về kiểu dáng công nghiệp, kèm theo đó là điều lệ về kiểu dáng công nghiệp, tiếp theo là điều lệ về mua bán quyền sử dụng về kiểu dáng công nghiệp kèm theo Nghị định số 201/HĐBT ngày 28/12/1988.

 Nhưng các nghị định và điều lệ trên vẫn chỉ dừng lại ở phạm vi là các văn bản dưới luật do Hội đồng bộ trưởng ban hành. Năm 1989 pháp lệnh về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã được hội đồng nhà nước (Quốc hội) ban hành, pháp lệnh đã mở ra một chương mới về cho luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp trong đó có đối tượng là kiểu dáng công nghiệp. Pháp lệnh này có nhiều điểm mới điểm bổ sung so với các nghị định và điều lệ trước và hơn thế pháp lệnh là văn bản đầu tiên của luật sở hữu trí tuệ được ban hành bởi một cơ quan thường trực thuộc cơ quan quyền lực nhà nước.

Đến năm 1995, các quy định về kiểu dáng công nghiệp tiếp tục được ban hành bởi một văn bản pháp luật có hiệu lực cao đó là Bộ luật dân sự năm 1995 được Quốc hội thông qua.

Trước khi luật sở hữu trí tuệ có hiệu lực thì các quy định về kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật hải quan, Luật thương mại, các nghị định thông tư pháp lệnh về xử lý vi phạm nói chung và vi phạm và vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nói riêng. Chẳng hạn như những quy định của Bộ luật dân sự điều chỉnh về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nằm rải rác tại một số điều khoản của chương II phần thứ VI. Tại nghị định 63/CP đã có những chương và mục riêng chứa đựng các quy phạm điều chỉnh về kiểu dáng công nghiệp.

Để phù hợp với các quy định chung của quốc tế, ngày 01 tháng 07 năm 2006 luật sở hữu trí tuệ đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, sự ra đời của luật sở hữu trí tuệ đã đánh dấu sự hội nhập chung vào với hệ thống luật của quốc tế, nó đánh dấu một bước tiến bộ lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Trong đó các quy định về kiểu dáng công nghiệp đã được phân chia thành từng chương mục riêng rõ ràng theo kết cấu chung.

Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam nằm chung trong hệ thống pháp luật thế giới quy định về sở hữu trí tuệ. Do vậy, ngoài các văn bản đã ban hành trong nước còn có các điều ước quốc tế có liên quan quy định về kiểu dáng công nghiệp. Hiệp định TRIPs quy định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs). Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hiệp định về sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam với Thụy Sĩ. Bảng phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (Locacno).

Về căn bản các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã theo kịp và đáp ứng các yêu cầu so với các quy định quốc tế, các văn bản quy định về kiểu dáng công nghiệp cũng được nhấn mạnh và làm rõ trong các văn bản của luật và nó cũng tương đối phù hợp với các quy định của quốc tế cũng như phù hợp với tình hình của Việt Nam.