Câu hỏi: Mình có ý định thuê một địa điểm để mở quán, bán đồ ăn vào buổi sáng. Luật sư cho hỏi, có phải đăng kí kinh doanh và an toàn thực phẩm không ạ?
Trả lời:
Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
- Cơ sở pháp lý:
- Luật an toàn thực phẩm năm 2010 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019);
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh (sửa đổi, bổ sung một số Điều bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP);
- Nghị định 15/2018/NĐ – CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm.
- Nội dung tư vấn:
– Theo Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ – CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh thì trường hợp không phải đăng ký kinh doanh bao gồm:
- Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Trường hợp của bạn là muốn thuê một địa điểm mở quán bán đồ ăn vào buổi sáng, có địa địa điểm cố định thì không thuộc các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh như nêu trên. Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ – CP bạn có thể kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh và phải đăng ký kinh doanh tại Ủy ban nhân dân quận, huyện.
“Điều 66. Hộ kinh doanh
- Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
- Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.”
– Khoản 5 điều 2 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 có quy định: “Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể.”
– Theo Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm
“1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.
- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm. Riêng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định này.”
Khoản 1 Điều 12 Nghị định này quy định về các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
- Sơ chế nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
- Nhà hàng trong khách sạn;
- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
- Kinh doanh thức ăn đường phố;
- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Như vậy, nếu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm.