Một số lưu ý về ghi nhãn mác hàng hoá khi nhập khẩu

0
828

Khi nhập khẩu hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam, nhãn hàng hóa phải thể hiện các thông tin của nhà nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP:

“Điều 12. Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa

  1. Hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất gắn với xuất xứ của hàng hóa đó và ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế.

Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN:

Điều 6. Ghi tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa

  1. Hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Hàng hóa được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, có cùng thương hiệu thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu thương hiệu đó hoặc tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở Việt Nam trên nhãn hàng hóa nếu được chủ sở hữu thương hiệu đó cho phép, nhưng phải bảo đảm truy xuất được cơ sở sản xuất ra hàng hóa khi cần thiết và/hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quản lý và ghi rõ xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa.

Như vậy, thông tin liên hệ của nhà nhập khẩu là thông tin bắt buộc phải được thể hiện trên nhãn sản phẩm. Các thông tin này phải đảm bảo chính xác, sản phẩm có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các thông tin của nhà nhập khẩu sẽ bị phạt theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, với mức phạt có thể lên đến 30.000.000 đồng.

Nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi sai thông tin của nhà nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam) thì bị xử phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP, với mức phạt có thể lên đến 30.000.000 đồng, và có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với tang vật vi phạm; Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.

Nguồn ảnh: phucminh.vn