Thủ tướng Chính Phủ vừa ban hành quyết định số 392/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiếu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Theo đó mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, có doanh thu cao, đem lại giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam đủ khả năng sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tinđáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin; thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD trong giai đoạn 2015 – 2020.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ cấp thiết là phải nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp. Phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm bằng cách triển khai lựa chọn sản phẩm, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, xúc tiến, thương mại hóa, triển khai thử nghiệm và các nội dung liên quan khác.
Chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm phần mềm dùng trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, phần mềm ứng dụng trên mạng di động, mạng internet; phát triển các sản phẩm, giải pháp dựa trên phần mềm nguồn mở. Phát triển các sản phẩm nội dung số thương hiệu Việt; các sản phẩm phục vụ cơ quan nhà nước, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ CNTT thông qua việc hỗ trợ xây dựng, đánh giá, áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn về quy trình, quản lý, đảm bảo chất lượng và an toàn thông tin trong cung cấp dịch vụ CNTT.
Đầu tư, xây dựng, phát triển các khu công nghiệp tập trung trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và các địa phương phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2407/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2014.
Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng đào tạo CNTT cho các cơ sở đào tạo về CNTT trọng điểm. Hỗ trợ nâng cao trình độ giảng viên, chuẩn hóa chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, bài giảng điện tử. Hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, hạ tầng phục vụ đào tạo và nghiên cứu về CNTT. Hỗ trợ tổ chức đưa sinh viên, người mới tốt nghiệp chuyên ngành CNTT, điện tử viễn thông đi đào tạo thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp CNTT.