Câu hỏi: Mình đang làm tại 1 công ty ở Hà Nội và mình đang mang thai. Mình muốn nghỉ để khám thai thì công ty nói là nghỉ khám thai vẫn phải trừ phép năm. Như vậy có đúng luật không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định chế độ nghỉ khi đi khám thai đối với lao động nữ. Do đó, điều kiện để hưởng chế độ thai sản là bạn phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
– Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
– Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, nếu bạn thuộc một trong các trường hợp trên thì bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và sẽ được hưởng chế độ thai sản, cụ thể sẽ được nghỉ ngày làm việc để đi khám thai.
Điều 32 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi đi khám thai như sau:
“Điều 32. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai
1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần”.
Như vậy, đối với trường hợp nghỉ việc đi khám thai, lao động nữ sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả chế độ bảo hiểm.
Hồ sơ hưởng chế độ nghỉ đi khám thai đối với lao động nữ quy định tại Điều 101 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 9 Quyết định 636/QĐ-BHXH gồm:
– Đối với trường hợp Điều trị nội trú: Giấy ra viện bản chính hoặc bản sao phô tô có chứng thực
– Đối với trường hợp Điều trị ngoại trú: Giây chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH
Phía bên công ty trả lời bạn nghỉ đi khám thai vẫn phải trừ số ngày nghỉ phép năm là chưa chính xác bởi theo quy định tại Điều 111 Bộ luật lao động 2012 và được hướng dẫn tại Điều 6, Điều 7 Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì ngày nghỉ hằng năm là chế độ công ty dành cho người lao động có thời gian làm việc tại công ty còn chế độ thai sản sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả. Do đó, đây là hai chế độ khác nhau. Bạn làm việc lại với giám đốc công ty để được hưởng chế độ theo đúng quy định.