Người có liên quan của cá nhân người quản lý doanh nghiệp được xác định như thế nào?

0
1389

Liên quan đến vấn đề người có liên quan, khoản 17

Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:

“Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có

thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con;

b) Công ty con đối với công ty mẹ;

c) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra

quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua các cơ

quan quản lý doanh nghiệp;

d) Người quản lý doanh nghiệp;

đ) Vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con

nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý doanh nghiệp hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;

e) Cá nhân được uỷ quyền đại diện cho những người quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này;

g) Doanh nghiệp trong đó những người quy định tại các điểm a,b,c,d,đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó;

h) Nhóm người thoả thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.”

Như vậy, theo quy định trên của Luật Doanh nghiệp 2005 thì không có khái niệm người có liên quan của cá nhân người quản lý doanh nghiệp mà chỉ có khái niệm người có liên quan của pháp nhân doanh nghiệp. Nghĩa là nếu chúng ta truy tìm người có liên quan của pháp nhân doanh nghiệp thì rất dễ dàng, chỉ cần căn cứ vào khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 là có thể tìm được; còn nếu truy tìm người có liên quan của cá nhân người quản lý doanh nghiệp thì không có căn cứ nào để xác định.

Việc không xác định trong Luật Doanh nghiệp 2005 khái niệm người có liên quan của cá nhân người quản lý doanh nghiệp là một trong những thiếu sót của Luật Doanh nghiệp 2005 và tạo ra một số hệ quả pháp lý rất khó giải quyết. Một số quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 đã đưa ra khái niệm người có liên quan của cá nhân, cụ thể như sau:

Khoản 1 Điều 118 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:

“Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai các lợi ích liên quan của họ với công ty,bao gồm:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh, số

và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mà họ có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó;

b) Tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh, số

và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần hoặc phần vốn góp trên 35% vốn điều lệ”.

Khoản 1 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:

“Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị

chấp thuận:

a) Cổ đông, người đại diện uỷ quyền của cổ đông sở

hữu trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và

những người có liên quan của họ;

b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng

giám đốc;

c) Doanh nghiệp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 118 của Luật này và người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc“.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2005 có đề cập đến vấn đề người có liên quan của cá nhân cổ đông, cá nhân thành viên Hội đồng quản trị, cá nhân thành viên Ban Kiểm soát, cá nhân Tổng Giám đốc nhưng lại không đưa ra được căn cứ để xác định những người có liên quan đó là ai. Điều này gây ảnh hưởng đến các giao dịch tư lợi. Tình huống sau đây sẽ làm rõ sự ảnh hưởng đó:

 Tình huống: Ông N là thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần A. Công ty A và bố đẻ ông N ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vậy hợp đồng này có phải là hợp đồng giữa công ty với người có liên quan quy định tại khoản 1 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2005 không?

Theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 thì chỉ có thể xác định được người có liên quan của pháp nhân doanh nghiệp, chứ không có căn cứ để xác định người có liên quan của cá nhân thành viên Hội đồng quản trị cho nên bố đẻ của thành viên Hội đồng quản trị không phải là người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị. Vì thế mà hợp đồng giữa công ty cổ phần A và bố đẻ của thành viên Hội đồng quản trị công ty này không phải là một giao dịch tư lợi theo Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2005.

Rõ ràng có sự không hợp lý nếu cho rằng bố đẻ của thành viên Hội đồng quản trị không phải là người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị và hợp đồng giữa công ty và bố đẻ thành viên Hội đồng quản trị công ty đó không phải là một giao dịch tư lợi. Như vậy, thực tiễn đã đặt ra cho các nhà lập pháp yêu cầu là cần phải quy định rõ những đối tượng nào được coi là người có liên quan của cá nhân người quản lý doanh nghiệp.

Cũng đã có luật quy định về người có liên quan của cá nhân, đó là Luật Chứng khoán 2006. Khoản 34 Điều 6 Luật Chứng khoán 2006 quy định về người có liên quan như sau: “Người có liên quan là cá nhân hoặc tổ chức có quan hệ với

nhau trong các trường hợp sau đây:

a) Cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con, con

nuôi, anh, chị em ruột của cá nhân;

b) Tổ chức mà trong đó có cá nhân là nhân viên, Giám

đốc hoặc Tổng giám đốc, chủ sở hữu trên mười phần trăm số

cổ phiếu lưu hành có quyền biểu quyết;

c) Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám

đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng

giám đốc và các chức danh quản lý khác của tổ chức đó;

d) Người mà trong mối quan hệ với người khác trực

tiếp, gián tiếp kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi người đó hoặc

cùng với người đó chịu chung một sự kiểm soát;

đ) Công ty mẹ, công ty con;

e) Quan hệ hợp đồng trong đó một người là đại diện cho người kia”.

Như vậy, quy định của Luật Chứng khoán 2006 đã xác định được người có liên quan của cá nhân. Nhưng Luật Chứng khoán 2006 và Luật Doanh nghiệp 2005 có đối tượng và lĩnh vực điều chỉnh khác nhau nên không thể áp dụng quy định của luật này vào luật kia được. Vấn đề là cần phải quy định cụ thể khái niệm người có liên quan của cá nhân trong Luật Doanh nghiệp 2005 hoặc văn bản hướng dẫn thi hành cho rõ ràng cụ thể.

Theo Luật Gia : Cao Bá Khoát và Luật sư : Trần Hữu Huỳnh