Người nước ngoài lừa đảo có bị xử lý theo pháp luật VN ?

0
371

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty TNHH Luật SB Law đã có những giải đáp liên quan đến đấu thầu và người nước ngoài lừa đảo, dưới đây là nội dung chỉ tiết :

Câu hỏi 1: Thưa luật sư, hiện nay nhiều bệnh viện lớn bị thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc. Một trong những nguyên nhân đó là tình trạng ngại đấu thầu. Theo luật sư, cần có những giải pháp gì để cải thiện luật giá, luật đấu thầu. 

Trả lời:

Thực tế hiện nay, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở nhiều tỉnh thành chủ yếu là do chậm đấu thầu mua sắm. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người bệnh mà còn gây rối loạn cho cả hệ thống y tế. Để khắc phục tình trạng này, trước tiên, các bệnh viện vẫn phải thực hiện một số gói thầu, đồng thời rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc trượt thầu để thực hiện thầu bổ sung. Những loại thuốc mà nhà cung cấp chưa cung ứng đủ thì bệnh viện liên hệ trực tiếp để trao đổi với họ.

Thứ hai, để giải quyết các tồn tại trên, Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu trong đó có sự phân biệt khác nhau giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế để từ đó tìm ra thực trạng đúng. Phải trả lời được câu hỏi vì sao họ không tham gia đấu thầu, vướng mắc ở đâu. Từ đó, nếu quy định vướng ở các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải trình Quốc hội để ra nghị quyết giải quyết. Cùng với vấn đề liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao là vấn đề lớn mà ngành Y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm. Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, yên tâm thực hiện, đâu là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua

Thứ ba, cần phải có văn bản hướng dẫn như nghị định Chính phủ cụ thể hóa Luật Quản lý tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Dược… Đồng thời, cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý công khai, minh bạch, đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lí cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu.

Đồng thời, cần tái lập Trung tâm mua sắm tập trung hàng hóa, tài sản công của ngành y tế theo hướng chuyên nghiệp. Việc tái lập Trung tâm này sẽ giúp mua sắm được giá tốt, giá cả thống nhất và để các y bác sĩ yên tâm phục vụ cho người bệnh nhiều hơn.

Câu 2: Hiện nay thủ đoạn lừa đảo từ người nước ngoài qua mạng ngày môt tràn lan. Những đối tượng đấy sẽ bị xử phạt như thế nào, đặc biệt nếu họ là người nước ngoài hay sinh sống ở ngoài Việt Nam có áp dụng xử phạt theo chế tài Việt Nam hay không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

“2. Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

  1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

  1. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Căn cứ theo quy định trên, người nước ngoài khi phạm tội trong lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xử lý theo một trong hai trường hợp:

– Trường hợp 01: Người phạm tội không thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự.

Với trường hợp này, người nước ngoài phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

– Trường hợp 02: Người phạm tội thuộc đối tượng hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế.

Với trường hợp này, vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế có liên quan. Nếu điều ước quốc tế đó không quy định; hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của người phạm tội được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Như vậy, nếu người ngước ngoài lừa đảo chiểm đoạt tài sản thì vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuy nhiên tùy từng trường hợp sẽ được xử lý hình sự theo các hình thức khác nhau.