Người từ đủ 15 tuổi có thể được mở tài khoản chứng khoán

0
839

Câu hỏi: Mới đây Bộ Tài chính có quy định là 15 tuổi cá nhân có thể mở tài khoản chứng khoán. Thế nhưng có nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, giao dịch trên thị trường chứng khoán rất phức tạp, có thể có cả những hành vi thao túng, lừa đảo… Nếu chủ tài khoản chứng khoán là người đủ 15 tuổi dính đến pháp luật khi giao dịch trên thị trường chứng khoán thì sẽ xử lý ra sao. Luật sư nhận định về ý kiến này như thế nào? Liệu quy định này có khả thi không?

Luật Chứng khoán: Những thông tin đáng chú ý nhất 2018

hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Trả lời:

Tại dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch chứng khoán vừa được Bộ Tài chính công bố, lấy ý kiến thì có nội dung: người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ được quyền mở tài khoản chứng khoán với điều kiện là được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Đối với cá nhân từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự được quyền mở tài khoản chứng khoán.

Trên thực tế thì tài khoản chứng khoán một khi được mở ra thì sẽ liên quan đến rất nhiều giao dịch và các lệnh mua-bán cũng như người tham gia vào kênh đầu tư này cần có nhiều kiến thức liên quan đến cổ phiếu, thị trường, các doanh nghiệp…Nhìn vào mặt tích cực, quy định cho phép người từ đủ 15 tuổi mở tài khoản chứng khoán sẽ giúp làm đa dạng hóa đối tượng mở tài khoản và đối tượng tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, quy định này sẽ mang lại một số vấn đề bất cập và khó có tính khả thi khi áp dụng.

Đầu tiên, chính bởi vì chứng khoán là một kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất cần có kiến thức nên cá nhân từ đủ 15 tuổi dù có quyền được mở, tuy nhiên việc tự mình tham gia vào các giao dịch là rất khó khăn. Hơn nữa, Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: 4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”. Câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp người địa diện theo pháp luật của chủ tài khoản giao dịch gây ra thua lỗ, hoặc bị lừa trên sàn chứng khoán thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Thứ hai, người chưa thành niên mở tài khoản chứng khoán nếu như chưa nắm rõ được pháp luật và các chế tài pháp lý mà vi phạm pháp luật trong quá trình giao dịch thì pháp luật sẽ xử lý thế nào khi họ vẫn chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và chưa có khả năng chịu mọi trách nhiệm pháp lý. 

Thứ ba, cũng có thể có trường hợp mở tài khoản chứng khoán nhưng lại để cho người khác thực hiện các giao dịch. Với trường hợp này, pháp luật cũng chưa có quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán hiện nay, phần lớn vẫn quy định độ tuổi tối thiểu để mở tài khoản chứng khoán là 18 tuổi. Vậy thì quy định pháp luật được đưa ra sẽ có sự chênh lệch so với thực tế và cần thêm nhiều ý kiến từ chính những người tham gia vào thị trường chứng khoán để có thể hoàn thiện quy định pháp luật.