Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về cách thức xử lý khi bị nhóm đòi nợ thuê ép, khống chế. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi:
Vừa qua, có rất nhiều vụ việc liên quan đến việc các băng nhóm đòi nợ thuê “khủng bố”, đe dọa, thậm chí là bắt cóc, ném chất bẩn vào nhà các con nợ để đòi nợ. Việc đòi nợ này có thể dẫn hậu quả nghiêm trọng, con nợ phản ứng bằng cách chống trả, ẩu đả,… Vậy thưa luật sư, khi bị nhóm đòi nợ thuê đến ép, khống chế, người đi vay cần có cách ứng xử như thế nào để tránh vướng lao lý, gây hậu quả, xin luật sư cho lời khuyên?
Trả lời:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người cho vay có quyền ủy quyền cho người khác thay mặt thực hiện việc đòi nợ. Do vậy, nếu người đến đòi tiền không phải là chủ nợ, người vay có quyền yêu cầu xuất trình văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền; và tìm hiểu nội dung, phạm vi ủy quyền.
Trường hợp họ không xuất trình được, người vay có quyền từ chối làm việc. Nếu họ gây hấn thì người vay cần báo ngay cho công an khu vực để có biện pháp ngăn chặn cần thiết, tránh có lời nói, cử chỉ mang tính kích động.
Nếu có đủ các dấu hiệu cấu thành các hành vi sau thì người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo các căn cứ mà người vay có và cơ quan công an thu giữ, truy tìm được
Nếu có hành vi sau thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông
[…]
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Đối với trường hợp những tên côn đồ tới nhà người vay, đe doạ hoặc sử dụng vũ lực để khống chế, ép “con nợ” trả tiền, người vay tiền có thể tố cáo lên cơ quan công an địa phương với tội danh cưỡng đoạt tài sản, quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 và khoản 1 và khoản 2 điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình. Các mức xử phạt sẽ được áp dụng tuỳ theo mực độ vi phạm của hành vi. Thậm chí, nếu những đối tượng côn đồ có hành vi đe dọa giết người vay tiền hay các thành viên trong gia đình họ, chúng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015: “Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, tùy từng trường hợp, sẽ căn cứ cụ thể vào biểu hiện hành vi và mức độ nghiêm trọng trong hành vi của họ để xác định họ sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý ở mức độ nào. Người vay có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.