Nhà đầu tư nên lưu ý gì khi mua trái phiếu qua ngân hàng, công ty chứng khoán để không bị rủi ro?

0
630

Việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn với những ưu điểm riêng của nó. 

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngày càng tăng cường tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

Trong đó, Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã có những thay đổi về đối tượng được quyền mua trái phiếu, cụ thể:

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, đối tượng mua trái phiếu là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Điều 8 quy định về đối tượng mua trái phiếu bao gồm:

  • Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
  • Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 (Điều 11) nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.

Cụ thể: ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan; công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch; người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng; cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng.

Như vậy, thị trường đầu tư trái phiếu không dành cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà chỉ được dành cho những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp này sẽ phải tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu theo điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Sự thay đổi trong chính sách này là bởi: thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ có ít thông tin và khả năng phân tích, đánh giá rủi ro hoặc khi các doanh nghiệp lạm dụng, triển khai các hình thức huy động vốn trái phiếu thiếu minh bạch, quy định mới là mong muốn bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm.

Theo quy định hiện hành, việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là yêu cầu bắt buộc với các giao dịch mua và có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ thời điểm được xác nhận.  Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện trường hợp nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lách luật để mua trái phiếu, điều này là việc tự tạo rủi ro pháp lý cho chính mỗi cá nhân đó chứ chưa kể là những rủi ro trong đầu tư.

Hiện nay, Uỷ ban chứng khoán nhà nước đang tăng cường kiểm tra việc cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức để sớm ngăn chặn những hành vi trái pháp luật.

Vì vậy, tham gia thị trường đầu tư trái phiếu, các nhà đầu tư trước hết phải đảm bảo được bản thân đang tuân thủ pháp luật, mà tối thiểu là việc xác định liệu mình có thuộc đối tượng được mua trái phiếu hay không, đặc biệt là trong một môi trường với bản chất là chấp nhận rủi ro thì không nên tự tạo thêm rủi ro cho chính mình.

Tiếp theo, khi tham gia vào đầu tư trái phiếu nói riêng và hoạt động đầu tư trong bất cứ lĩnh vực gì nói riêng, nhà đầu tư cần học hỏi, kiên trì tích luỹ kiến thức đầu tư bởi đa phần những hoạt động đầu tư chóng vánh, theo phong trào, nghe loáng thoáng hoặc được mời gọi mù quáng đều sẽ khiến các nhà đầu tư mất tiền, nản chí và sớm dừng lại. Nhà đầu tư cần hiểu được rằng rủi ro và lợi nhuận luôn đi song song với nhau, khi lãi suất càng cao, nhà đầu tư phải tự tính toán và tự hỏi mình liệu bản thân có sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đi kèm đó không, đặc biệt là rủi ro về khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Hiện nay, thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro khi mà đa số giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, những doanh nghiệp này có năng lực tài chính yếu hơn đáng kể so với các doanh nghiệp niêm yết, dù trái phiếu có thể bao gồm tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Ngoài ra, phần lớn trái phiếu được phát hành không có tài sản đảm bảo, tuy nhiên kể cả có tài sản đảm bảo sẽ giúp mọi người yên tâm hơn khi đầu tư nhưng không ai mong muốn rủi ro xảy ra đến mức phải xử lí tài sản đảm bảo nên khi đầu tư.

Mặc dù Việt Nam hiện đang trong quá trình xây dựng thị trường xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam cũng đang chưa có thói quen sử dụng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, cả từ phía nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp, khiến cho việc tiếp cận thông tin hoạt động của doanh nghiệp để quyết định của nhà đầu tư bị hạn chế. Trong khi đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.  Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Tất cả cũng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, việc nắm bắt thông tin từ phía doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Khi mua trái phiếu từ công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, nhà đầu tư cần làm rõ:

(i) Thủ tục để xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với nhà đầu tư chứng khoán cá nhân nhằm bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro pháp lý;

(ii) Những thông tin quan trọng liên quan đến trái phiếu: Những cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với trái phiếu, kì hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc và lãi, trái phiếu có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo;

(iii) Những thông tin liên quan đến doanh nghiệp phát hành: Doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành (doanh nghiệp thường phát hành trái phiếu để lấy vốn  phát triển các dự án cụ thể, do đó, nhà đầu tư cá nhân cần đánh giá phương án phát triển dự án này có khả thi, hợp lí không), tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành tỷ suất lợi nhuận, dòng tiền của doanh nghiệp, lịch sử trả trái tức đúng hạn hay không.

Thông thường, nhà đầu tư nên mua trái phiếu doanh nghiệp của những công ty đã niêm yết bởi vì những doanh nghiệp niêm yết sẽ có khả năng tài chính vững vàng hơn, dễ nắm bắt thông tin hơn do có sự giám sát của Sở Giao dịch Chứng khoán và có thể theo dõi tình hình hoạt động thông qua giá cổ phiếu trên sàn.

Việc mua qua ngân hàng và công ty chứng khoán có đúng quy định của pháp luật không?

Căn cứ theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp gồm công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính được phép cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành theo quy định của pháp luật. Theo đó, ngân hàng và công ty chứng khoán được quyền cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu nên mua trái phiếu qua những kênh này là đúng với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay tồn tại hiện tượng ngân hàng và công ty chứng khoán chào bán cho những đối tượng không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp. Căn cứ theo điểm b khoản 5 Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: b) Không đảm bảo việc chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, trung thực, có thể kiểm chứng được, không gây hiểu nhầm và có đầy đủ những nội dung có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư; không rà soát đối tượng tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Theo đó, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 khi có hành vi bán trái phiếu riêng lẻ cho đối tượng không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Quá trình giao dịch, hợp đồng, uỷ quyền cần làm rõ những vấn đề gì để tránh rủi ro?

Khi làm việc với tổ chức dịch vụ phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cần lưu ý quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, cụ thể:

Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp gồm công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính được phép cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành theo quy định của pháp luật.

–  Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và doanh nghiệp phát hành phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên. Nội dung hợp đồng cung cấp dịch vụ bao gồm trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trong việc công bố đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt và chỉ bán trái phiếu cho nhà đầu tư đủ điều kiện mua trái phiếu quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

–  Trường hợp tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành cam kết với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng với nhà đầu tư (trong đó nêu rõ điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu) và phải tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành khi thực hiện các cam kết này.

Như vậy, khi ký hợp đồng với bên tổ chức dịch vụ phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cần bám sát những thông tin về trái phiếu đã tìm hiểu xem nội dung hợp đồng về những thông tin trên đã đầy đủ chưa, chính xác chưa, đặc biệt là những điều kiện đặc biệt như tài sản đảm bảo hoặc liên quan đến cam kết của bên kia về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp.