Nhờ người khác đứng tên trên giấy CNQSDĐ, nay muốn lấy lại đất phải làm sao?

0
377

Câu hỏi: Ông X có 1 miếng đất 10 m2. Ông X cho người cháu 2 m2 (1 m2 để ở và 1 m2 để canh tác), phần còn lại gia đình ông vẫn canh tác bình thường. Ông X có nhờ người cháu đứng tên trọn vẹn cả miếng đất to 10 m2 để lách luật trốn thuế. Sau khi ông X qua đời, vì khó khăn nên vợ ông X đã bán 4m2 trong mảnh đất 10 m2 cho 1 người khác. Thoả thuận mua bán bằng giấy viết tay.

Sau 15 năm, người đã mua đất từ vợ ông X có nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Khi vợ ông X yêu cầu người cháu làm thủ túc tách GCNQSDĐ thành 3 phần:

– 2m2 đã cho người cháu

– 4m2 cho người đã mua đất từ vợ ông X

– phần còn lại 4m2 cho vợ ông X

Nhưng người cháu có ý định chiếm đoạt. Và không đồng ý thực hiện việc tách GCNQSDĐ của vợ ông X. Vì vậy, bên mua 4m2 đất từ vợ ông X đã khởi kiện. Hỏi: Trong trường hợp này, vợ ông X phải làm như thế nào để có thể lấy lại được phần đất của mình?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/05/2014 quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:

“Thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận: 1. Ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo quy định sau:

a) Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số: …”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số: …”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “Giấy khai sinh số….”; […]

c) Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó”.

Có thể thấy, khi ông X nhờ cháu của mình đứng tên trên GCNQSDĐ thì Nhà nước đã thừa nhận quyền sở hữu của người cháu đối với bất động sản trong khi thực tế họ không phải là chủ sở hữu thực sự của mảnh đất đó.

Như vậy, để lấy lại được phần đất của mình từ cháu ông X sau khi không đạt được thỏa thuận, bà X có thể làm đơn khởi kiện lên TAND cấp huyện để đòi lại thửa đất trên (theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Căn cứ duy nhất để khởi kiện đòi lại thửa đất trên là “thỏa thuận tặng cho đất và đứng tên trên GCNQSDĐ”. Nếu thỏa thuận trên được lập, có đầy đủ chữ ký của hai bên thì đây sẽ là căn cứ chứng minh rằng có việc bàn giao giữa ông X và cháu của ông X. Dựa vào chứng cứ trên, Tòa án sẽ xem xét để ra quyết định có hay không đồng ý yêu cầu của bà X.