Ngày 14/9/2015, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định 78) được Chính phủ thông qua và ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2015.
Nghị định này quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp. Với kết cấu bao gồm 9 chương và 83 điều, Nghị định có nhiều thay đổi trên cơ sở bám sát tinh thần cải cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc giảm thời gian và quy trình thủ tục trong khâu gia nhập thị trường, hoạt động và rút khỏi thị trường.
So với Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 và Nghị định số 5/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013,Nghị định số 78/2015/NĐ-CP có một số điểm mới như sau:
1.Đăng ký doanh nghiệp
Theo tinh thần Nghị định 78/2015 thì Đăng ký doanh nghiệp là việc người thành lập doanh nghiệp đăng ký thông tin về doanh nghiệp dự kiến thành lập, doanh nghiệp đăng ký những thay đổi hoặc dự kiến thay đổi trong thông tin về đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và các nghĩa vụ đăng ký, thông báo khác theo quy định của Nghị định này.
2.Quản lý thông tin về doanh nghiệp:
Nghị định 78 quy định cơ chế phối hợp liên thông điện tử tự động giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thông qua quy trình tạo và sử dụng mã số doanh nghiệp. Theo đó, mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp (khoản 1 điều 8).
Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để quản lý và trao đổi thông tin về doanh nghiệp. Tình trạng các cơ quan khác nhau yêu cầu cung cấp các thông tin mà doanh nghiệp đã gửi cho cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không còn nữa
Việc liên thông điện tử tự động giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh và Hệ thống thông tin đăng ký thuế của cơ quan đăng ký thuế sẽ góp phần rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn nữa cho người thành lập doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
3.Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Cơ quan đăng ký kinh doanh:
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho quá trình thành lập doanh nghiệp, Nghị định 78 đã bổ sung thêm quy định trong việc thành lập Phòng Đăng ký kinh doanh. Theo quy định tại điều 13, Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.
Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Điểm mới nổi bật của Nghị định 78 là việc rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, thời hạn để cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Hình thức đăng ký doanh nghiệp:
Chương V, Nghị định 78 quy định cơ chế thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Hình thức này cho phép tổ chức, cá nhân được lựa chọn sử dụng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Toàn bộ quy trình tiếp nhận, xử lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện qua mạng điện tử, đáp ứng tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình áp dụng dịch vụ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Doanh nghiệp vẫn được tự do lựa chọn các hình thức đăng ký doanh nghiệp phù hợp, tuy nhiên doanh nghiệp cũng được khuyến khích sử dụng mạng điện tử để đăng ký và công nhận giá trị pháp lý tương đương với hình thức nộp hồ sơ bằng bản giấy.
Do đó, nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đăng ký thành lập thông qua hình thức này, quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại Nghị định 78 được thiết kế theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.
Việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được xem là một công cụ tiện lợi, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, minh bạch hóa công tác đăng ký doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc tiếp nhận và quản lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
4.Con dấu của doanh nghiệp:
Nghị định khẳng đinh lại việc Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. Doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau.
Trước khi sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung thông báo bao gồm:
– Tên, mã số, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp hoặc chi nhánh hoặc văn phòng đại diện;
– Số lượng con dấu, mẫu con dấu, thời điểm có hiệu lực của mẫu con dấu
5. Thay đổi nội dung ĐKDN
Doanh nghiệp có được hai thuận lợi rất lớn.
-Một là, chỉ còn 4 đến 5 trường hợp phải đăng ký và phải cấp mới GCN ĐKDN, do nội dung Giấy chứng nhận chỉ còn ghi nhận 4 đến 5 nội dung đăng ký; doanh nghiệp cũng không phải nộp lại GCN ĐKDN cũ nên rất thuận lợi cho việc chứng minh tính lịch sử của Doanh nghiệp đối với các bên.
– Hai là, với tất cả những sự thay đổi còn lại, nhất là về ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp không phải thực hiện việc đăng ký thay đổi mà chỉ là thực hiện việc thông báo thay đổi. Doanh nghiệp lại có quyền nhận hay không nhận Giấy xác nhận đã thay đổi vì mọi nội dung thay đổi đã được cập nhật trên dangkykinhdoanh.gov.vn. Từ khi có quy định này, việc truy cập, tương tác với dangkykinhdoanh.gov.vn tăng lên rất nhiều, từng bước góp phần đưa được việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tế, ở mọi lúc, mọi nơi, thuận tiện, nhanh chóng.
Do chi nhánh, văn phòng đại điện, địa điểm kinh doanh không còn ghi trong GCN ĐKDN nên ngay địa điểm kinh doanh cũng có thể được cấp Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh, khi doanh nghiệp có nhu cầu, rõ ràng đây là quy định hoàn toàn mới.
6.Một số quy định khác.
Nghị định 78 quy định thủ tục thông báo khi doanh thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, thông tin cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ, thông báo cho thuê doanh nghiệp tư nhân, thông báo thay đổi thông tin người đại diện theo ủy quyền, thông báo thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần chưa niêm yết.
*Về cổ đông sáng lập, quy định mới sẽ chấm dứt mọi tranh cãi về việc ai là cổ đông sáng lập khi nêu rất rõ ràng rằng, cổ đông sáng lập là người (cá nhân, tổ chức) được kê khai trong Danh sách cổ đông sáng lập và nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
*Về đăng ký hộ kinh doanh, đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt ngay từ khâu soạn thảo, Nghị định 78 đã dành đến 14 điều so với chỉ 8 điều của Nghị định 43. Tuy vẫn chưa thể đạt được như mong muốn nhưng cũng đã có thêm những quy định rất mới như Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cũng sẽ được cấp trong thời gian 03 ngày làm việc; chấm dứt việc hộ kinh doanh bị ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận khi chuyển từ quận, huyện này sang quận, huyện khác, từ nay được phép chuyển đổi trụ sở giống như doanh nghiệp; quy định về tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hộ kinh doanh; cấp lại GCN đăng ký hộ kinh doanh. Đặc biệt điều 78 quy định về thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh quy định những tình huống rất cụ thể, chi tiết, tháo gỡ khó khăn đã tồn tại rất lâu về nghiệp vụ này.
Trên đây là bản tóm tắt những nội dung cơ bản của Nghị định 78/2015, SBLAW xin mời các bạn đọc tải Nghị định 78/2015 tại đây để hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật: CHÍNH PHỦ.doc 78