Những quy định mới về Luật Căn cước Công dân

0
281

Trong chương trình Bạn và Pháp luật, phát song trên hệ chính trị thời sự VOV1 Đài Tiếng Nói Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi về những quy định mới của Luật căn cước công dân, mời quý vị xem tại đây:

Câu 1: Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, theo tôi được biết Luật Căn cước Công dân được xây dựng trên cơ sở xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước Công dân. Đây là những khái niệm mới ở Việt Nam, cũng là quy định mới so với pháp luật hiện hành. Ông hãy giúp quý thính giả làm rõ hai khái niệm này trong Luật ạ?

Hai thuật ngữ “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và “Cơ sở dữ liệu căn cước Công dân” đã được Luật Căn căn cước công dân số: 59/2014/QH13 giải thích ngắn gọn tại khoản 4 và khoản 5 của Điều 3. Tôi xin giải thích cụ thể hơn hai khái niệm này như sau:

–           “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” là một hệ cơ sở dữ liệu duy nhất được xây dựng tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – Bộ Công an được kết nối thống nhất, đồng bộ đến Công an cấp tỉnh, thành phố; Công an cấp quận, huyện, thị xã và Công an cấp xã, phường, thị trấn.

Bộ Công an sẽ tiến hành thiết lập mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính và tổ chức cơ sở dữ liệu. Sau đó sẽ tiến hành thu thập, chuẩn hóa, nhập dữ liệu để lưu trữ, bảo mật.

Các dữ liệu thông tin quan trọng sẽ được bảo đảm an toàn trong cơ sở dữ liệu. Thông tin sẽ được lấy từ các nguồn như: Sổ sách quản lý về cư trú, tàng thư hồ sơ hộ khẩu và các cơ sở dữ liệu về cư trú, hộ tịch hiện có…

Các thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bên cạnh các thông tin truyền thống như: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính… thì còn có một số các thông tin đặc biệt khác được đưa vào và cập nhật trong Cơ sở dữ liệu như: tình trạng hôn nhân, nơi thường trú, nhóm máu, họ tên và số CMND, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp của công dân.

Người dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông.

–           “Cơ sở dữ liệu căn cước Công dân” về cách thức xây dựng, thiết lập cơ bản giống “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tuy nhiên các dữ liệu trong “Cơ sở dữ liệu căn cước Công dân ” hẹp hơn “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” vì chỉ chứa các dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam.

Câu 2: Như vậy, nội dung cơ bản của Luật căn cước công dân chính là những quy định về hoạt động quản lý căn cước công dân, việc cấp đổi và sử dụng thẻ căn cước công dân nhằm hướng tới xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng không thưa Luật sư?

Vâng, Luật Căn cước công dân đúng là chứa đựng các nội dung quy định về hoạt động quản lý căn cước công dân, trình tự, thủ tục cấp, đổi và sử dụng thẻ căn cước công dân với mục tiêu xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Luật căn cước công dân 2014 còn một nội dung quan trọng nữa là các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân và các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý như: Bộ Công an và cơ quan Công an các cấp.

Câu 3: Vậy, chứng minh thư có vai trò gì ở đây, thưa Luật sư?

Thứ nhất, các thông tin trên CMND là một trong số các thông tin được Cơ sở dữ liệu căn cước công dân thu thập và lưu trữ;

Thứ hai, nếu người dân có nhu cầu khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua thủ tục hành chính mà chưa có thẻ căn cước công dân thì cần xuất trình CMND để được cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu.

Khi làm thủ tục cấp mới thẻ căn cước công dân, người dân chỉ cần mang theo sổ hộ khẩu, không cần mang theo chứng minh thư nhân dân cũ. Điều này tạo điều kiện cho những người bị mất CMND thuận tiện trong thủ tục cấp mới thẻ căn cước công dân.

Về cơ bản, thẻ căn cước công dân sẽ đảm nhiệm toàn bộ vai trò của CMND khi người dân thực hiện các giao dịch hay thủ tục hành chính. Cơ quan Công an sẽ hủy CMND cũ trên cơ sở dữ liệu ngành, sau đó cắt góc CMND và trả cho người dân khi họ làm thẻ Căn cước công dân.

Tuy nhiên, do hiện tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thiện, nên người dân dù đã có thẻ căn cước công dân mới vẫn nên giữ lại CMND cũ. Vì một số các giao dịch đặc thù trong ngành ngân hàng hay các giao dịch liên quan đến bất động sản, có thể sẽ yêu cầu xuất trình CMND cũ để đối chiếu nhằm đảm bảo độ an toàn, tin cậy của thông tin.

Câu 4: Cơ sở pháp lý nào để công dân có thể thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực căn cước công dân?

Các quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định tại Điều 5 Luật căn cước công dân. Về quyền lợi, Luật quy định công dân có 5 quyền cơ bản như sau:

+ Một là, được đảm bảo bí mật cá nhân và bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

+ Hai là, có quyền yêu cầu cập nhật, thay đổi các thông tin cá nhân của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

+ Ba là, được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;

+ Bốn là, được sử dụng thẻ căn cước công dân của mình trong giao dịch và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân;

+ Năm là, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Về nghĩa vụ, công dân có 06 nghĩa vụ cơ bản sau:

+ Một là, chấp hành các quy định của Luật Căn cước công dân và các quy định pháp luật có liên quan;

+ Hai là, nghĩa vụ làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân theo quy định pháp luật;

+ Ba là, cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn các thông tin cá nhân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

+ Bốn là, công dân có nghĩa vụ xuất trình thẻ căn cước công dân khi được người có thẩm quyền yêu cầu;

+ Năm là, nghĩa vụ về bảo quản thẻ căn cước và nghĩa vụ trình báo kịp thời tới cơ quan công an trong trường hợp bị mất thẻ;

+ Sáu là, trường hợp đổi, bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thì công dân có nghĩa vụ nộp lại thẻ căn cước công dân theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, Điều 14, Luật Căn cước công dân còn quy định công dân Việt nam từ đủ 14 tuổi có quyền được cấp thẻ căn cước công dân. Điều 21 Luật Căn cước công dân quy định nghĩa vụ công dân phải làm thủ tục đổi thẻ căn cước khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, các quy định từ Điều 19 đến Điều 26 Luật Căn cước công dân 2014 đã quy định rất cụ thể, chi tiết về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

 Câu 5: Vậy, cơ quan nào có trách nhiệm quản lý căn cước công dân và trách nhiệm được quy định cụ thể như thế nào?

Về trách nhiệm quản lý, khoản 8 Điều 3 Luật Căn cước công dân quy định: “Cơ quan quản lý căn cước công dân là cơ quan chuyên trách thuộc Công an nhân dân, làm nhiệm vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.”

Về trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý căn cước công dân thì được quy định tại Điều 6 của Luật, cụ thể cơ quan công an có 07 nhiệm vụ cơ bản sau:

+ Một là, thu thập, cập nhật chính xác thông tin về công dân;

+ Hai là, chỉnh sửa kịp thời khi có căn cứ xác định thông tin về công dân chưa chính xác hoặc có sự thay đổi;

+ Ba là, niêm yết công khai và hướng dẫn các thủ tục hành chính về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

+ Bốn là, cơ quan công an phải bảo đảm an toàn, bí mật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

+ Năm là, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu về công dân khi được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định của pháp luật;

+ Sáu là, nghĩa vụ về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;

+ Bảy là, cơ quan Công an có nghĩa vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

 Câu 6: Hiện nay, theo như hướng dẫn của Bộ Công an thì chứng minh thư nhân dân 9 số, 12 số và thẻ căn cước công dân được đồng thời công nhận, vậy người dân có bắt buộc phải đến đổi thẻ căn cước công dân hay không? Và quy định thời gian cấp, đổi thẻ căn cước công dân so với chứng minh thư nhân dân trước đây có gì khác nhau, thưa luật sư?

Người dân không bắt buộc phải đến làm thủ tục đổi CMND sang thẻ căn cước công dân nếu CMND còn hiệu lực. Chỉ khi CMND đang sử dụng hết hiệu lực, tức là CMND đã quá hạn 15 năm kể từ ngày cấp, thì công dân buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

Quy định hiệu lực của thẻ căn cước công dân có điểm mới so với CMND, đó là nếu CMND có hiệu lực 15 năm kể từ ngày cấp thì thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đến các ngưỡng tuổi đủ 23, đủ 45 và đủ 65 tuổi. Quá hạn nêu trên, thẻ căn cước công dân đương nhiên hết hiệu lực.

Về thời gian làm thủ tục cấp thẻ, nếu trước đây, người dân phải chờ trung bình là 15 ngày đối với địa bàn thành phố, thị xã và 30 ngày đối với các địa khác kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp CMND thì mới nhận được CMND, thì hiện nay, đối với thẻ căn cước công dân, người dân chỉ phải chờ trong vòng 07 ngày đối với thành phố, thị xã; 20 ngày đối với các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo và 15 ngày đối với các địa bàn còn lại kể từ ngày nộp đầy đỉ hồ sơ xin cấp thẻ căn cước công dân.

Tôi đánh giá, đây là một cải cách thủ tục hành chính hữu hiệu giúp đơn giản hóa, hạn chế phiền toái đi lại và thời gian chờ đợi cho người dân.

Câu 7: Câu hỏi riêng tư một chút, với rất nhiều lợi ích và quy định bắt buộc của pháp luật như vậy, bản thân Luật sư đã đến cơ quan Công an để đổi chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước công dân chưa, thưa ông?

Do công việc làm tư vấn bận rộn nên hiện tôi chưa sắp xếp thời gian đi làm thủ tục chuyển đổi từ CMND sang thẻ Căn cước công dân.

Nhưng tôi sẽ sớm làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định pháp luật.

Câu 8: Chúng tôi cũng nhận được một câu hỏi khác của thính giả Đỗ Xuân Dũng tại Phú Thọ

Là địa phương chưa được cấp đổi thẻ căn cước công dân, nhưng tôi cũng rất quan tâm muốn hỏi. Theo tôi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng thì công dân lần đầu cấp thẻ căn cước công dân sẽ được miễn lệ phí. Quy định này áp dụng như thế nào? chỉ thí điểm với 16 tỉnh, thành phố, hay là áp dụng cho cả những tỉnh thực hiện sau như chúng tôi?

Xin Luật sư Nguyễn Thanh Hà tư vấn cho thính giả

Hiện nay, việc triển khai cấp thẻ căn cước công dân mới bước đầu triển khai trên 16 tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Tp.HCM… Trong thời gian tới, cấp thẻ căn cước công dân sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Về phí cấp thẻ căn cước công dân, căn cứ Thông tư số 170/2015/TT-BTC ban hành ngày 09/11/2015 quy định về mức thu lệ phí thẻ căn cước công dân thì người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thẻ căn cước công dân lần đầu, các trường hợp đổi từ CMND sang thẻ căn cước công dân và khi công dân đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân sẽ không phải nộp lệ phí cấp/đổi thẻ căn cước công dân.

Tôi xin giải đáp thắc mắc của thính giả Đỗ Xuân Dũng tại Phú Thọ là việc áp dụng quy định miễn lệ phí cấp thẻ căn cước công dân lần đầu và trường hợp đổi từ CMND sang thẻ căn cước công dân được áp dụng trên toàn quốc.

Câu 9: Có rất nhiều câu hỏi của thính giả gửi đến chương trình, chúng tôi cũng chỉ xin trích đọc được một vài câu hỏi, những câu hỏi còn lại, chúng tôi sẽ có phản hồi trực tiếp hoặc thông qua email đến với thính giả quan tâm đến chương trình.

Câu hỏi tiếp theo xin được Luật sư trả lời, câu hỏi của bạn Huy Cường, tại Bình Dương. Bạn đã nhắn tin đến số điện thoại của chương trình với nội dung:

Nhà tôi ở Hải Dương, hiện tôi đang sống ở Bình Dương, hiện đã đăng ký tạm trú KT3. Vậy bây giờ làm thẻ căn cước tôi phải về nơi đăng ký hộ khẩu để làm hay làm tại nơi đăng ký tạm trú cũng được?

Điều 26 Luật căn cước công dân quy định người dân có thể lựa chọn một trong 03 nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

  1. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
  2. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  3. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

Vì Luật không quy định bắt buộc người dân phải đến Cơ quan Công an cấp quận, huyện, thị xã nơi thường trú để làm thủ tục cấp/đổi thẻ căn cước công dân. Do vậy, bạn có thể lựa chọn Cơ quan Công an nơi bạn làm thủ tục tiện lợi nhất.

Hy vọng là thính giả Đỗ Xuân Dũng đã nghe rõ câu trả lời của luật sư.

Câu 10: Một câu hỏi khác được gọi điện thông qua đường dây nóng của chương trình của một bạn thính giả ở tỉnh miền núi Lào Cai. Xin được kết nối với kỹ thuật.

Tôi ở vùng cao, trước làm chứng minh thư đi xuống huyện làm mất nhiều thời gian lắm, xuống làm thủ tục, xong lại hẹn mấy ngày sau mới lấy, lại phải đi xuống huyện lấy. Không biết là thẻ căn cước công dân này làm thủ tục xong thì bao giờ có thẻ?

Đối với các huyện miền núi vùng cao, giao thông đi lại khó khăn thì tối đa sẽ phải chờ trong vòng 20 ngày kể từ ngày hoàn thiện đầy đỉ thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

Câu 11: Câu hỏi khác của chương trình đến từ thành phố Thanh Hoá, bạn Nguyễn Thị Dung hỏi:

Thẻ căn cước công dân mới ra đời có thể thay thế những giấy tờ gì?

Xin luật sư trả lời câu hỏi của thính giả!

Mục đích chuyển đổi giấy tờ quản lý hộ tịch từ CMND sang thẻ căn cước công dân với mã số định danh công dân bao gồm 12 chữ số và việc Bộ Công an xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân nhằm giảm tải các loại giấy tờ quản lý hộ tịch, cư trú và các giấy tờ khác như: giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ BHYT, sổ BHXH, mã số thuế cá nhân.

Ngoài ra, thẻ căn cước có thể thay thế hộ chiếu nếu Việt Nam và các quốc gia có Điều ước quốc tế quy định. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chúng ta chưa ký kết ĐUQT nào về vấn đề này, lý do chính là chúng ta chưa hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Nhân đây, tôi xin chuyển lời khuyến nghị tới quý khán giả nên sớm đi làm thủ tục cấp/đổi thẻ căn cước công dân để giúp dữ liệu công dân sớm được hoàn thiện trong Cơ sở dữ liệu của Bộ Công an nhằm hướng tới giảm tải số lượng các giấy tờ tư pháp cho người dân, giúp đơn giản và thuận tiện hóa khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính hay các giao dịch dân sự.