Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU -(EVFTA) đánh dấu một bước ngoặt trong lĩnh vực mua sắm công ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường này cho các nước.
Chương mua sắm công trong Hiệp định được lấy tên gọi là “government procurement”, tức là mua sắm của Nhà nước/Chính phủ. Khái niệm này có thể hiểu nôm na là hoạt động đấu thầu của các cơ quan sử dụng ngân sách Chính phủ.
Cũng như Luật Đấu thầu, Chương mua sắm công của Hiệp định EVFTA đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá trình lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên với mức độ yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch. Theo đó, Việt Nam sẽ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu trong khối nước EU-VN (đấu thầu nội khối) hoặc đấu thầu quốc tế cho phép các nhà thầu EU dự thầu.
Một số nội dung chính của Chương mua sắm công như sau:
Phạm vi điều chỉnh
Chương mua sắm công Hiệp định EVFTA áp dụng đối với các gói thầu trên ngưỡng mở cửa, thuộc các chủ đầu tư, bên mời thầu nêu tại Phụ lục của Chương (gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các Sở thuộc Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh); hàng hóa, dịch vụ, kể cả dịch vụ xây dựng của gói thầu thuộc danh mục mở cửa và gói thầu không thuộc các trường hợp loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của Hiệp định (chẳng hạn các gói thầu nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng…).
Đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử
Nguyên tắc cơ bản nhất của Chương mua sắm công là đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử. Chủ đầu tư có nghĩa vụ đối xử với nhà thầu, hàng hóa Việt Nam và nhà thầu, hàng hóa của các nước thành viên nội khối EVFTA (bao gồm các nước thành viên EU và Việt Nam) một cách công bằng.
Điều này có nghĩa là không được sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa, nhà thầu trong nước cũng như bất kỳ biện pháp nào để gia tăng hàm lượng nội địa hoặc đưa ra các yêu cầu về chuyển giao công nghệ… Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có thời gian chuyển đổi để thực hiện các nguyên tắc này.
Quy định về xuất xứ
Khi thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam có hai lựa chọn khi tổ chức chọn nhà thầu tham gia các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Một là, chỉ cho phép nhà thầu nội khối EVFTA dự thầu và chỉ cho phép hàng hóa xuất xứ từ các nước thành viên của nội khối EVFTA. Hai là, trong những trường hợp nhất định, gói thầu lớn và phức tạp, nếu thấy rằng việc mở rộng sự tham gia cho các doanh nghiệp ngoài khối EVFTA sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, Việt Nam có thể lựa chọn đấu thầu quốc tế như hiện nay vẫn đang làm.
Các hình thức lựa chọn nhà thầu
Chương mua sắm công cho phép lựa chọn nhà thầu theo hai hình thức: 1- đấu thầu rộng rãi có lựa chọn danh sách ngắn hoặc không lựa chọn danh sách ngắn; 2- Chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc chỉ định thầu trong Chương mua sắm công Hiệp định EVFTA có nội hàm tương tự như hình thức chỉ định thầu/mua sắm trực tiếp/đấu thầu hạn chế theo Luật Đấu thầu.
Ngoài ra, Chương mua sắm Chính phủ cũng khuyến khích đấu thầu qua mạng, chống tham nhũng trong đấu thầu, quy định về đăng tải thông tin, thời gian trong đấu thầu.