Nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam

0
408

Nhận lời mời của ban biên tập Truyền hình Kinh tế Tài chính – VITV (SCTV8), Luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty Luật SBLAW đã có phần trao đổi về vấn đề nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:

 

Phóng viên: Thưa ông, trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu mặc dù rất có tiềm năng nhưng đôi khi bên nhận nhượng quyền hoạt động không có lãi, theo ông nguyên nhân là vì đâu?

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân có thể là:

 

– Đối tượng hàng hóa, dịch vụ kinh doanh theo mô hình nhượng quyền không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ của bên nhận quyền. Ví dụ, các sản phẩm bánh mì kẹp thịt bò hoặc thịt lợn của McDonald có thể thành công ở rất nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nếu đưa các sản phẩm này kinh doanh tại các quốc gia có phần lớn dân số theo đạo Hồi hoặc đạo Hindu thì chắc chắn sẽ thất bại.

 

Hoặc, gần đây, một công ty Việt Nam sau khi nhận nhượng quyền mô hình giáo dục sớm cho trẻ em từ Mỹ đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn do hiện tượng vi phạm bản quyền không thể kiểm soát được từ các thương nhân kinh doanh nhỏ lẻ tại Việt Nam.

 

– Chi phí mà bên Nhận quyền phải trả cho Bên nhượng quyền quá cao, ví dụ phí nhượng quyền ban đầu, tỷ lệ chia sẻ doanh thu bất hợp lý. Trong rất nhiều các vụ nhượng quyền thương mại, sau thời gian 3 năm đầu triển khai mô hình nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền phải chịu sức ép rất lớn từ bên nhượng quyền về việc bảo đảm mức doanh thu tối thiểu hoặc triển khai hệ thống nhượng quyền phụ. Đây có thể là một trong những nguyên nhân làm cho Beenn hận quyền hoạt động không có lãi.

 

Phóng viên: Hiện nay đa phần các thương hiệu nước ngoài nhượng quyền tại VN còn doanh nghiệp trong nước thực hiện nhượng quyền vẫn còn ít, có phải là ta chưa có những thương hiệu đủ mạnh?

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trước khi trả lời câu hỏi này, bạn cần lưu ý, để có thể triển khai được hoạt động nhượng quyền, bên nhượng quyền không chỉ cần có thương hiệu mạnh mà còn cần phải có mô hình, bí quyết kinh doanh hiệu quả để có thể chuyển giao. Hiện tại, Việt Nam có rất nhiều thương hiệu mạnh và có uy tín như Viettel, PV, Viglacera, Vinaphone, Mobiphone… Tuy nhiên, có rất nhiều thương hiệu mạnh ở Việt Nam chưa tạo ra được bản sắc riêng biệt trong quy trình quản lý, phát triển kinh doanh để có thể chuyển giao cho Bên thứ ba.

 

Trong khi đó, các thương hiệu mạnh của nước ngoài được nhượng quyền luôn đi kèm với một mô hình (format) kinh doanh riêng biệt và dễ nhận biết không chỉ từ thương hiệu mà còn cách thức trang trí cửa hàng, quy trình phục vụ khách hàng từ khâu quản lý đầu vào, chế biến, thực hiện đến khi ra sản phẩm cuối cùng …

 

Lý do thứ hai là nhiều nhà quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn ưu tiên sử dụng cách kinh doanh truyền thống – phát triển hệ thống kinh doanh thông qua các kênh đại lý bán hàng nhỏ lẻ phù hợp với văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Cuối cùng, và chủ yếu nhất, mô hình kinh doanh nhượng quyền còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam và phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu biết nhiều về cách thức kinh doanh theo mô hình nhượng quyền kinh doanh.

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn về franchise
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn về franchise

Phóng viên:: Có không ít rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện nhượng quyền, ông có thể chia sẻ với khán giả về điều này không?

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Cũng như bất kỳ mô hình kinh doanh nào khác, nhượng quyền thương mại đều có thể chứa đựng các yếu tố rủi ro tiềm ẩn.

 

Khi tham gia vào mô hình kinh doanh nhượng quyền, cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều phải chấp nhận một quy tắc chung là hành động của Bên này (dù là tiến hành với tư cách là một thực thể pháp lý độc lập) đều có thể làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và quyền lợi của bên còn lại.

 

Lấy ví dụ, vào dịp tháng 7 vừa qua, sự cố Shanghai Husi Food tại Thượng Hải Trung Quốc bị đóng cửa vì cung cấp thịt gà và thịt bò quá hạn cho chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald và KFC tại Hong Kong, Nhật Bản đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của hai thương hiệu này không chỉ ở khu vực châu Á mà rất nhiều nơi trên thế giới.

 

Trong rất nhiều trường hợp, việc Bên nhận nhượng quyền không tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh do Bên nhượng quyền đặt ra có thể làm phá hủy hoàn toàn thương hiệu và uy tín do Bên nhượng quyền đầu tư phát triển trong rất nhiều năm trước đó.

 

Ngược lại, về phía bên nhận quyền cũng phải đối mặt với rủi ro là mất toàn bộ lợi thế thương mại cũng như hệ thống khách hàng đã phát triển được trong thời gian nhận nhượng quyền trong trường hợp hợp đồng nhượng quyền thương mại không được gia hạn tiếp. Trong hoàn cảnh đó, Bên nhận nhượng quyền không còn lựa chọn nào khác là phải tiến hành bắt đầu lại toàn bộ trong việc xây dựng lại công việc kinh doanh hoặc tìm kiếm một mô hình nhượng quyền kinh doanh hoàn toàn khác để tiếp tục đầu tư.