Văn bản pháp lý:
Về kiểu dáng công nghiệp, Việt Nam tham gia khá nhiều công ước quốc tế. Điển hình là Công ước Paris “Công ước về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp” (1883). Các nước thành viên của Công ước thỏa thuận áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia và hệ thống quyền ưu tiên.
Sau đó, Hiệp định TRIPS “Thỏa thuận về các khía cạnh liên quan đến thương mại của sở hữu trí tuệ” (1994) đã đưa ra các chuẩn mực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và các đối tượng của sở hữu công nghiệp, trong đó có kiểu dáng công nghiệp. Đồng thời, Hiệp định TRIPS còn nỗ lực loại bỏ các quy định hành chính, thủ tục bất lợi cho hoạt động sở hữu trí tuệ quốc tế.
Ngoài ra, còn có Thỏa ước Lahay về đăng kí quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (1925), Hiệp ước Locarno thiếp lập phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp.
Trong pháp luật Việt Nam, bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp cũng được quy định trong Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009. Dưới có các văn bản dưới luật như: Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 26/09/2006 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Điều kiện bảo hộ:
Kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Có tính mới:
Điều kiện này đòi hỏi kiểu dáng công nghiệp có sự khác biệt đáng kể với những kiểu dáng đã bị bộc lộ công khai ở trong nước và ngoài nước trước ngày nộp đơn (hoặc ngày ưu tiên) của đơn đăng kí kiểu dáng công nghiệp. Hai kiểu dáng công nghiệp được coi là có khác biệt đáng kể với nhau nếu giữa chúng có ít nhất một đặc điểm tạo dáng dễ nhận biết, ghi nhớ và có thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp với nhau.
Để đáp ứng điều kiện về tính mới, kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ phải chưa bị bộc lộ công khai trước ngày nộp đơn (hoặc ngày ưu tiên) đăng kí kiểu dáng công nghiệp đó dưới các hình thức: mô tả bằng văn bản; dưới dạng ấn phẩm; trưng bày trong các cuộc triển lãm; hoặc thể hiện trên ảnh chụp, hình vẽ; được lưu thông trên thị trường. Nguồn thông tin về kiểu dáng công nghiệp không bị giới hạn về phạm vi, được công bố, phát hành dưới bất kì hình thức nào.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số ít người biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó. Các trường hợp ngoại lệ kiểu dáng công nghiệp không bị mất tính mới nếu bị bộc lộ trong thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm nộp đơn: Bị người khác công bố không được phép của người có quyền đăng kí; Người có quyền đăng kí công bố dưới dạng báo cáo khoa học; Người có quyền đăng kí trưng bày tại triển lãm trong hoặc ngoài nước.
b) Tính sáng tạo:
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng. Người có hiểu biết trung bình là người có kiến thức, kĩ năng chuyên môn cơ bản về lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp có liên quan, có đầy đủ các thông tin về kiểu dáng đã được áp dụng cho các sản phẩm chế tạo trong lĩnh vực đó.
Kiểu dáng công nghiệp phải là kết quả của sự sáng tạo, không phải là sự sao chép, bắt chước các kiểu dáng đã có. Những kiểu dáng chỉ là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết, chỉ sắp đặt lại, thay đổi vị trí, tăng giảm số lượng… có thể bị coi là không có tính sáng tạo. Những kiểu dáng mô phỏng hay sao chép hoàn toàn hoặc một phần các đối tượng sẵn có trong tự nhiên (con vật, cây cối); hoặc các hình học đơn giản (hình vuông, elíp, lăng trụ…); hoặc sao chép các hình dáng các sản phẩm, công trình nổi tiếng hoặc được biết đến rộng rãi ở Việt Nam và thế giới, không có sự cách điệu đúng mức cũng bị coi là không có tính sáng tạo.
c) Có khả năng áp dụng công nghiệp:
Kiểu dáng công nghiệp được công nhận là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp và các sản phẩm thu được phải đồng nhất.
Như vậy, kiểu dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (như sản phẩm ở thể khí, lỏng) hoặc sản phẩm có hình dạng nhất định trong những điều kiện đặc biệt và sẽ biến dạng khi ở điều kiện bình thường (như đá tủ lạnh) hoặc sản phẩm phải vận dụng kĩ năng đặc biệt của riêng người tạo dáng (như sản phẩm thủ công, vẽ, chạm khắc…) sẽ không đáp ứng được điều kiện này.
Cơ chế bảo hộ:
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp, và được đăng kí tại Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Quyền sở hữu công nghiệp thì bắt buộc phải được đăng kí, nó không tự động phát sinh như cơ chế quyền tác giả.
Cơ chế quyền sở hữu công nghiệp là cơ chế bảo hộ về mặt nội dung, không bảo hộ về mặt hình thức, tức là không được làm theo. Do vậy, trước khi được cấp bằng độc quyền, đơn đăng kí kiểu dáng công nghiệp phải được thẩm định nội dung. Mục đích của việc thẩm định nội dung là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi bảo hộ tương ứng. Và thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng kí của kiểu dáng công nghiệp là không quá 7 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Ở đây, chúng ta không nhầm lẫn giữa quyền tác giả và cơ chế quyền tác giả, bởi kiểu dáng công nghiệp phải được sáng tạo ra nên nó cũng có tác giả sáng tạo. Quyền tác giả kiểu dáng công nghiệp bao gồm quyền nhân thân là quyền được ghi tên trong văn bằng bảo hộ, được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về kiểu dáng công nghiệp; được hưởng đầy đủ quyền tài sản nếu tác giả đồng thời là chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp đó hoặc quyền được nhận thù lao từ phía chủ sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Mời quý vị xem thêm nội dung tư vấn của luật sư SBLAW về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp