Doanh nghiệp hỏi: Về giờ làm thêm:
Nếu trong trường hợp làm việc vượt quá số giờ theo qui định dưới đây thì sẽ gặp phải chế tài xử lý như thế nào?
“Nghị định 109/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002:
Trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm, được quy định như sau:
a) Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu, bao gồm sản phẩm: dệt, may, da, giày và chế biến thuỷ sản nếu phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do yêu cầu cấp thiết của sản xuất hoặc do tính chất thời vụ của sản xuất hoặc do yếu tố khách quan không dự liệu trước thì được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, nhưng phải thực hiện đúng các quy định sau:
Phải thoả thuận với người lao động;
Nếu người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên thì người sử dụng lao động phải bố trí cho họ được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường;
Trong 7 ngày liên tục, người sử dụng lao động phải bố trí cho người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.”
Luật sư trả lời Trong trường hợp huy động người lao động làm việc vượt quá thời gian làm thêm tối đa quy định tại Điều 106 Bộ luật lao động năm 2012 (không quá 200 giờ làm việc 1 năm và không quá 300 giờ làm việc đối với trường hợp đặc biệt) thì theo quy định tại Khoản 4, Điều 14, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo nghị định số 88/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động sẽ bị áp dụng chế tài phạt vi phạm hành chính với mức từ 25 đến 50 triệu đồng.