Phòng chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh vàng

0
200

Rửa tiền là hành vi che giấu hoặc hợp pháp hóa nguồn gốc bất hợp pháp của tiền hoặc tài sản có giá trị khác. Hoạt động kinh doanh vàng là một trong những kênh phổ biến để rửa tiền. Dưới đây những câu hỏi và Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trả lời Vneconomy về chủ đề trên.

1/ Thưa ông, sau 3 ngày các ngân hàng thương mại Nhà nước triển khai bán vàng SJC, phóng viên VnEconomy ghi nhận những khách hàng mua vàng miếng SJC với giá trị từ 400 triệu đồng trở lên (tương đương 5 lượng vàng) phải khai báo nguồn tiền hoặc nguồn tài sản trong giao dịch vàng này đến từ đâu. Khách hàng có tên làm việc cụ thể tại tổ chức nào, địa chỉ trụ sở ở đâu? Mức thu nhập trung bình hàng tháng trong vòng 6 tháng gần nhất của khách mua vàng như thế nào?

Theo các ngân hàng, việc này là thực hiện quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền. Xin ông chia sẻ kỹ hơn về quy định này, đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh vàng?

Trả lời:

Theo khoản 1, 2 Điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền 2022 quy định:

“1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

  1. Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.”

Điều 3 Quyết định 11/2023/QĐ-TTg Quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo quy định “Mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng trở lên.”

Điều 9 Thông tư 09/2023/TT-NHNN quy định về Chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử.

Căn cứ vào các quy định trên, tổ chức kinh doanh vàng (bao gồm các ngân hàng thương mại, các công ty kinh doanh vàng, các công ty trung gian thanh toán) phải tăng cường thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định về phòng chống rửa tiền của NHNN, mục đích nhằm đảm bảo việc nhận biết giao dịch của khách hàng được thực hiện phù hợp với các thông tin về khách hàng, hoạt động kinh doanh, mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng. Việc các ngân hàng làm theo chỉ đạo của NHNN được thực hiện trong bối cảnh giá vàng tăng giảm “điên cuồng” trong những tháng vừa qua.

Đối với khách hàng mua vàng với giá trị từ 400 triệu đồng trở lên, ngoài các thông tin nhận dạng cơ bản, ngân hàng sẽ yêu cầu thêm thông tin về nguồn tiền/nguồn tài sản cũng như thu nhập trung bình hàng tháng. Mục đích của việc yêu cầu khai báo thông tin này là giúp các tổ chức kinh doanh vàng xác định rủi ro rửa tiền trong các giao dịch vàng; ngăn chặn việc sử dụng vàng để rửa tiền; bảo vệ khách hàng khỏi những rủi ro liên quan đến rửa tiền.

Câu hỏi PV Luật sư Nguyễn Thanh Hà về phòng chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh vàng
Câu hỏi PV Luật sư Nguyễn Thanh Hà về phòng chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh vàng

2/ Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ rửa tiền trong các giao dịch liên quan đến mua, bán vàng?

Trả lời:

Giao dịch mua bán vàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rửa tiền vì những đặc điểm như tính thanh khoản cao, giá trị lớn và tính phi tập trung. Tính thanh khoản là một đặc điểm nổi trội của thị trường vàng, vốn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư và nền kinh tế nói chung. Vàng có thể được mua bán nhanh chóng và dễ dàng trên nhiều kênh giao dịch khác nhau, các giao dịch vàng thường được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, với thời gian thanh toán ngắn. Vàng là tài sản phi kỹ thuật số, những thông tin nhận dạng riêng rất dễ chỉnh sửa, xóa bỏ.

Do đó, khó có thể theo dõi nguồn gốc của vàng và xác định danh tính của những người sở hữu nó. Vàng cũng được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới như một kho lưu trữ giá trị và kênh thanh toán.  Điều này giúp cho tội phạm dễ dàng chuyển đổi tiền bất hợp pháp thành vàng và che giấu nguồn gốc của tiền.

Để hạn chế nguy cơ rửa tiền trong giao dịch vàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức kinh doanh vàng và khách hàng. Ngoài ra, khách hàng cũng cần nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp tự bảo vệ khi giao dịch vàng, như lựa chọn tổ chức kinh doanh vàng uy tín để thực hiện giao dịch; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin theo yêu cầu của tổ chức kinh doanh vàng; giữ lại hóa đơn, chứng từ liên quan đến giao dịch mua bán vàng; báo cáo cho cơ quan chức năng nếu nghi ngờ có hoạt động rửa tiền diễn ra.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà về phòng chống rửa tiền trong kinh doanh vàng
Luật sư Nguyễn Thanh Hà về phòng chống rửa tiền trong kinh doanh vàng

3/ Hiện nay, cùng với việc bán vàng trực tiếp đến người dân thông qua các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan cũng thanh tra việc phòng chống rửa tiền tại 6 đơn vị kinh doanh vàng khác. Theo ông, những động thái này của nhà điều hành tác động ra sao tới thị trường vàng trong thời gian tới?

Trả lời:

Tiến hành thanh tra thị trường vàng nhằm bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Việc tiến hành thanh tra sẽ phát hiện được các hành vi vi phạm như đầu cơ, lũng đoạn thị trường và có các biện pháp xử lý khắc phục, hỗ trợ hạn chế đáng kể tình trạng lạm phát, giúp can thiệp, bình ổn thị trường, “tạo sân chơi bình đẳng” cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vàng. Hoạt động thanh tra đồng thời là hoạt động khảo sát để đưa ra giải pháp tổng thể nhằm xử lý dứt điểm tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế.

Thị trường vàng trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ phát triển minh bạch và hiệu quả hơn. Khi chính sách thanh toán mua vàng không dùng tiền mặt được triển khai, hoạt động xuất hóa đơn khi mua bán vàng được đẩy mạnh đồng thời các cơ quan nhà nước tích cực thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh vàng sẽ giúp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, và đảm bảo an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ quốc gia cũng như trật tự an toàn xã hội.

4/ Xin ông chia sẻ kinh nghiệm quốc tế từ một số nước trong việc phòng chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh vàng?

Trả lời:

Một đặc điểm chung giữa Anh và Mỹ trong các quy định phòng, chống rửa tiền, đó là đề cao việc tuân theo những hướng dẫn và các luật lệ. Không chỉ phòng, chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh vàng nói riêng mà trong các chính sách phòng chống rửa tiền nói chung, các quốc gia này đều đề cao vai trò và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Cụ thể, các nhân viên của các định chế tài chính phải có nghĩa vụ hợp tác toàn diện với các cơ quan pháp luật và phải có nghĩa vụ thông báo trước cho các cơ quan có thẩm quyền tất cả các giao dịch đáng ngờ. Ngân hàng hay các cơ sở kinh doanh vàng phải nhận dạng tất cả các khách hàng bằng mọi cách có thể, kể cả gặp mặt trực tiếp, đồng thời phải lưu giữ tất cả chứng từ giao dịch. Đây là một trong những căn cứ để phục vụ công tác điều tra khi các đối tượng bị phát hiện có dấu hiệu rửa tiền. Trường hợp các tổ chức và cá nhân không tuân theo những hướng dẫn của luật và quy định về phòng, chống rửa tiền sẽ dẫn tới những trách nhiệm pháp lý.

Úc cũng thực hiện hệ thống báo cáo giao dịch tiền tệ tương tự như tại Mỹ hay Anh. Bất kỳ một giao dịch tiền tệ nào tương đương hoặc lớn hơn 10.000 USD đều phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Những dữ liệu này sau đó được truyền tự động tới Cơ quan Báo cáo giao dịch tiền tệ. Nếu các cá nhân của các tổ chức tín dụng không tuân thủ những quy định về luật liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền sẽ bị xử lý theo quy định và có thể phải xử lý hình sự.

Có thể thấy, điểm mấu chốt trong hoạt động phòng chống rửa tiền của các quốc gia trên là vai trò và nghĩa vụ của các ngân hàng, các công ty kinh doanh vàng hay các công ty trung gian thanh toán. Theo đó, để làm tốt vai trò của mình, các tổ chức này buộc phải chủ động phối hợp với các cơ quan có chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng nhận diện, nhận biết về các hành động rửa tiền; đồng thời phải cải thiện hệ thống lưu giữ chứng từ; xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần liên tục; xây dựng báo cáo tự động để có thể báo cáo kịp thời những hành động đáng ngờ cho cơ quan có thẩm quyền. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này trong việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền nói chung và trong hoạt động kinh doanh vàng nói riêng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tham khảo thêm >> Tư vấn luật tài chính và ngân hàng