PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG CÓ PHẢI LÀ TỘI PHẠM?

0
503

Câu hỏi: Tôi tên là Trần Khương T, tôi muốn được luật sư giải đáp thắc mắc về vấn đề sau: Trong một buổi đi chơi với bạn bè thì hai bên chúng tôi có xích mích và mâu thuẫn nhau. Hai bên lời qua tiếng lại và tôi ra can ngăn nhưng bị một người bên nhóm bên kia cầm dao đe dọa và tấn công. Tôi vì đã chống lại hành vi tấn công của người đó bằng cách giữ được dao và chống trả lại nhưng lại đâm vào chân bắp tay người đó. Vậy mong luật sư giải đáp cho tôi rằng hành động của tôi có bị cấu thành tội phạm hay không?

Luật sư trả lời:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có quy định về Phòng vệ chính đáng như sau:

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm …”.

Như vậy, Điều luật trên quy định “chống trả lại một cách cần thiết” chứ không đòi hỏi phải tương xứng do vậy vẫn có thể sử dụng các công cụ, phương tiện mà có thể gây nguy hiểm hơn so với công cụ, phương tiện mà người có hành vi xâm phạm đang sử dụng.

Thậm chí, người có hành động phòng vệ có thể sử dụng công cụ, phương tiện để chống trả khi người đang có hành vi xâm phạm chỉ tay không. Pháp luật chỉ quan tâm đến thiệt hại mà người có hành động phòng vệ gây ra có vượt quá giới hạn hay không, có nằm trong mức độ cho phép để việc chống trả được coi là cần thiết hay không.

Tuy nhiên luật không đòi hỏi thiệt hại mà hành vi phòng vệ gây ra cũng phải ngang bằng thiệt hại mà người tấn công đe dọa gây ra. Nhiều trường hợp phòng vệ chính đáng chỉ phát huy hiệu quả khi phải gây thiệt hại lớn hơn cho kẻ tấn công, có như vậy mới có thể chấm dứt được hành vi tấn công. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa người phòng vệ muốn gây thiệt hại đến mức nào cũng được.

Nhìn chung, việc đánh giá có là phòng vệ chính đáng hay không là hết sức phức tạp, đòi hỏi phải đặt sự việc trong hoàn cảnh cụ thể, phải so sánh tương quan lực lượng, xem xét tính chất quan hệ xã hội mà kẻ tấn công đang xâm phạm, phương pháp, phương tiện, công cụ mà kẻ tấn công sử dụng cũng như điều kiện, khả năng phòng vệ của người phòng vệ, …

Như vậy, các quy định về phòng vệ chính đáng chỉ mang tính định tính chứ không định lượng cụ thể. Do đó, với trường hợp bạn hỏi, chúng tôi không thể đưa ra một đáp án cụ thể được. Người bị tấn công trong từng trường hợp cụ thể phải tự phán đoán, quyết định phòng vệ thế nào và đến mức nào.

Khoản 2 Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

 “2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.

Quy định này có thể hiểu là người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây ra thiệt hại quá đáng cho người xâm hại mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đây được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phòng vệ.