Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

0
518

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW có bài trả lời phỏng vấn kênh VITV về vấn đề Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, mời các bạn xem nội dung tại đây:

Câu hỏi: Từ ngày 01/5/2017, quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (GDLK) sẽ được áp dụng theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 20 đánh dấu mốc phát triển quan trọng nhất trong hệ thống quy định pháp luật về giá GDLK tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Thể hiện việc Bộ Tài chính đang có nỗ lực lớn nhằm đưa ra những quy định rõ ràng hơn và gần gũi hơn với các tiêu chuẩn quốc tế…Quan điểm của ông?

Trả lời: Nghị định 20/2017/NĐ – CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được ban hành thay thế cho Thông tư 66/2010/TT – BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Nghị định 20 ra đời đã giải quyết được những khó khăn khi xác định giá trong giao dịch liên kết, đồng thời giúp cho công cuộc chống chuyển giá trong các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Câu hỏi: Theo ông những điểm nổi bật nhất của NĐ 20 là gì?

Trả lời: Một số điểm nổi bật của Nghị định 20 bao gồm:

– Làm rõ khái niệm “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.

– Các bên có quan hệ liên kết: Nghị định 20 đã điều chỉnh ngưỡng nắm giữ vốn góp của chủ sở hữu từ 20% lên 25%. Ngoài ra, hai công ty sẽ không còn bị coi là có quan hệ liên kết nếu một bên kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp 50% tổng doanh thu hoặc giá trị mua nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào của bên kia.

– Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết: Người nộp thuế có trách nhiệm lưu giữ và cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết gồm:

+ Hồ sơ quốc gia theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

+ Hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

+ Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

– Các trường hợp người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá:

+ Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;

+ Người nộp thuế đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá. Các giao dịch liên kết không thuộc phạm vi áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 10 Nghị định này;

+ Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu, bao gồm các lĩnh vực như sau:

Phân phối: Từ 5% trở lên; Sản xuất: Từ 10% trở lên; Gia công: Từ 15% trở lên.