Quảng cáo: Biến vịt thành thiên nga

0
357
Trong bài viết “Quảng cáo: Biến vịt thành thiên nga” của tác giả  Bảo Linh được đăng tải trên báo An Ninh Thủ Đô có ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa  luật sư thành viên Công ty luật S&B (S&B Law). Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
ANTĐ – Lâu nay, người tiêu dùng luôn đặt câu hỏi liệu sản phẩm mà doanh nghiệp quảng cáo có phản ánh đúng chất lượng của sản phẩm đó hay không? Và dù hoài nghi nhưng không ít người vẫn móc hầu bao cho các sản phẩm này.

 


Mua hàng với chất lượng đúng như quảng cáo là mong muốn của người tiêu dùng (ảnh minh họa)


Mất tiền vì tin quảng cáo

Kể lại chuyện mua hàng theo quảng cáo trên một kênh truyền hình, bà Nguyễn Mai Thảo, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên nhận xét: “Trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có nhiều quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực mà người dân không biết khiếu nại đến ai. Có không ít quảng cáo liên quan đến các sản phẩm làm đẹp như: sữa tắm, dầu gội đầu, mỹ phẩm làm trắng da… đã quảng cáo thái quá khiến bất cứ ai cũng nghĩ rằng dùng những sản phẩm ấy vịt cũng biến thành thiên nga”.

Còn theo anh Nguyễn Đông Quang, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, một hãng hàng không quảng cáo những chuyến bay với giá cực rẻ, nhưng thật ra giá đó không bao gồm bất kỳ phí dịch vụ nào khác, do đó khi sử dụng các dịch vụ thông thường trong lúc bay, hành khách phải trả các khoản phí tổng cộng không khác gì một chuyến bay với giá thông dụng, thậm chí cao hơn. Hay một công ty địa ốc rao bán những căn hộ được giới thiệu là cao cấp, thanh lịch, tiện nghi nhưng chỉ sau vài tháng sử dụng, căn hộ đã xuống cấp thảm hại. Điều đáng nói là mỗi khi khách hàng kêu ca, phàn nàn về những khác biệt giữa quảng cáo và sản phẩm thật thì họ lại bị nhà sản xuất, cung ứng chối phăng trách nhiệm, đổ lỗi cho người tiêu dùng hoặc đổ tại “nguyên nhân khách quan”. Kiểu phản ứng ấy khiến người tiêu dùng luôn ở vị trí bất lợi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quảng cáo gian dối, gọi nôm na là “quảng cáo láo”, được hiểu là nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ, thông qua hoạt động quảng cáo, cố ý phổ biến những thông tin không chính xác nhằm lừa dối người tiêu dùng. Với người tiêu dùng, quảng cáo gian dối ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các kế hoạch chi tiêu của bản thân và gia đình. Do tác động của quảng cáo gian dối, người tiêu dùng không có điều kiện nhìn nhận đối tượng quảng cáo đúng với thực chất, đặc biệt là đúng với vị trí của nó trong bảng xếp hạng với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại.

Cần sớm ban hành Luật Quảng cáo

Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thì đơn vị quảng cáo đã vô tình tiếp tay cho doanh nghiệp lừa dối người tiêu dùng. Để tránh xảy ra tình trạng này, việc tăng cường quản lý chất lượng quảng cáo là vô cùng quan trọng. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Công ty TNHH Luật S&B, Pháp lệnh Quảng cáo sau gần 10 năm thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập. Đó là việc phát sinh những mâu thuẫn trong phê duyệt các mẫu quảng cáo. Do các quy định không thống nhất nên với cùng một nội dung quảng cáo nhưng có cơ quan thì cho phép đăng tải, cơ quan khác lại “tuýt còi”.

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước về quảng cáo đang khá chồng chéo và thiếu nhất quán. Bộ VH-TT&DL phụ trách quảng cáo nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông lại có trách nhiệm giám sát trực tiếp nội dung thông tin quảng cáo… Việc áp dụng các quy định về hoạt động quảng cáo cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi một số quy định về quảng cáo trong các lĩnh vực chuyên ngành lại được quy định tại nhiều văn bản như Luật Thương mại, Luật Xuất bản, Luật Dược, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm…

Cũng theo luật sư Hòa, để chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo, các cơ quan chức năng cần xem lại khái niệm quảng cáo để xác định rõ nội dung quảng cáo. Thời gian qua, không ít người dân và doanh nghiệp bày tỏ sự không đồng tình khi xem một số mẫu quảng cáo trên các phương tiện thông tin truyền thông của một số đơn vị tự nhận sản phẩm của mình là “tốt nhất”, “là phát minh của thời đại”, “là tinh túy của đất trời”…

Do đó, cần phải có quy định cụ thể để xác định vấn đề này. Điều đáng nói là hiện nay vẫn còn tình trạng một số  đơn vị quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, thậm chí có  những quảng cáo sản phẩm dành cho trẻ em nhưng lại sử dụng lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em, việc quảng cáo bằng hình thức phát tờ rơi, tờ gấp, dán, vẽ sản phẩm quảng cáo nơi công cộng, dùng đoàn người để quảng cáo đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nhiều doanh nghiệp, là sự cạnh tranh không lành mạnh. Tuy vậy, những hành vi này vẫn không bị pháp luật cấm. Mặt khác, Pháp lệnh Quảng cáo vẫn chưa có quy định cụ thể về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo (bao gồm cơ quan muốn quảng cáo, đơn vị làm dịch vụ quảng cáo, cơ quan thông tin và cơ quan cấp phép quảng cáo).

Trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng chính là nhờ quảng cáo. Để lập lại trật tự trong lĩnh vực quảng cáo, Nhà nước cần sớm ban hành Luật Quảng cáo, giúp cho người dân có thể “tin vào quảng cáo” để có thể chọn lựa cho mình những sản phẩm phù hợp.