Quy định của pháp luật về hiệp sỹ bắt cướp.

0
405

Nhận lời mời của ban biên tập kênh truyền hình InfoTV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi với phóng viên Thế Tài xung quanh những quy định của pháp luật về hiệp sỹ bắt cướp.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung của buổi trao đổi.

Phóng viên: Thông tin TP.HCM chuẩn bị xây dựng lại đội hiệp sỹ bắt cướp.Nhưng thực tế việc quy định nhóm lực lượng này trong pháp luật Việt Nam chưa rõ ràng.Trong khi đó nhiệm vụ này là của lực lượng công an.

Câu hỏi: Đã có quy định pháp luật nào điều chỉnh về việc quản lý hoạt động của lực lượng hiệp sỹ đường phố này hay chưa?

Trả lời: Hiện tại, theo tôi được biết, chưa có bất kỳ một văn bản pháp luật nào của cấp Trung ương ví dụ như Luật, Pháp lệnh, nghị định, thong tư quy định và hướng dẫn về vấn đề này.

Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, cụ thể là quy định tại khoản 3, Điều 4 Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Hiện tại, chỉ có một văn bản duy nhất ở cấp tỉnh đó là quyết định 203/2006/QĐ UBND của tỉnh Bình Dương ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ phòng chống tội phạm trên địa bàn tình Bình Dương.

Tuy nhiên, quy chế này chỉ là hướng dẫn mang tính chung chung, không quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của các hiệp sỹ đường phố trong việc phòng chống tội phạm và chỉ có giá trị thực hiện tại địa phương Bình Dương.

Nói tóm lại, chúng ta chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động này, vì vậy, tôi cũng băn khoăn trong việc lãnh đạo TP Hồ Chí Minh căn cứ vào đâu để xây dựng mô hình này.

Câu hỏi: Trong trường hợp xảy ra những thương vong thì sao? Việc lợi dụng nhiệm vụ của mình để để làm việc bất chính thì sao? 

Trả lời: Vì chưa có một quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động này vì vậy sẽ có vô số các vấn đề pháp lý xảy ra như bạn đã phân tích ở trên.

Do những hiệp sỹ đường phố không phải là người thi hành công vụ vì vậy khi có hy sinh, thương vong thì cũng không có chế độ của nhà nước như là đối với các chiến sỹ trong lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, khi có hành vi lợi dụng họạt động phòng chống tội phạm để vi phạm pháp luật thì hiện tại, chúng ta chỉ căn cứ vào các quy định của pháp luật cụ thể là Bộ luât hình sự để xử lý hoặc Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, trật tư, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.

Đứng trước những hệ quả nêu trên, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần có một quyết định dứt khoát là có tồn tại hay không tồn tại mô hình này, nếu có tồn tại thì cần sớm ban hành quy định cụ thể để điểu chỉnh.