Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm lo ngại của toàn xã hội. Việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm có ở nhiều khâu. Trong những khâu ấy thì việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan Nhà nước đối với cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ là vô cùng khó khăn, nhất là việc xử lý người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chất độc hại dường như đang bị nhờn luật. Vậy pháp luật có quy định nào mới để kịp thời khắc phục tình trang này ? Đó là nội dung cuộc trao đổi của Tạp chí Nông Thôn Mới với luật sư Nguyễn Thanh Hà Chủ tịch Công ty luật SBLAW (Hà Nội):
Một trong những nguyên nhân dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm là việc kiểm soát các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ gặp khó khăn. Vậy Nhà nước đã có giải pháp nào để khắc phục, thưa luật sư?
Do thiếu thốn về nguồn lực, nhân lực, mặt khác các quy định của pháp luật đối với cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực cũng chưa cụ thể nên lâu nay việc thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở này còn hạn chế; chủ yếu tập trung vào cơ sở sản xuất lớn. Khắc phục tình trạng này, ngày 31 tháng 12 năm 2015 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 57/2015/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2016) quy định về Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương, áp dụng cho các đối tượng:
– Các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương gồm: Các cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ sở hoặc cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ); Các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật thực hiện cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quy định và phân cấp quảnlý.
– Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Vậy để đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phải đáp ứng những điều kiện gì?
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ phải đáp ứng 6 điều kiện:
Thứ nhất:
– Chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (còn hiệu lực) do cơ quan có thẩm quyền cấp.
– Chủ cơ sở có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và những người tham gia trực tiếp sản xuất của cơ sở định kỳ ít nhất 01 (một) lần/ năm tại cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên. Hồ sơ khám sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất của cơ sở phải được lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất. Chủ cơ sở và người sản xuất trực tiếp tại cơ sở phải có Giấy xác nhận đủ sức khỏe để sản xuất thực phẩm do cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên cấp.
Thứ hai , đối với khu vực sản xuất thực phẩm:
Khu vực sản xuất thực phẩm phải được bố trí tại địa điểm không bị ngập nước, đọng nước, ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại và có khoảng cách an toàn với các nguồn gây ô nhiễm khác.
Các công đoạn sản xuất sản phẩm thực phẩm phải được bố trí theo nguyên tắc và quy trình chế biến một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng.
Nền nhà khu vực sản xuất phải bằng phẳng, thoát nước tốt, không gây trơn trượt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh; trần nhà không bị dột, thấm nước, rêu mốc và đọng nước.
Thứ ba: đối với nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và nước sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm:
* Nguyên liệu sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm phải bảo đảm:
– Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc;
– Được bảo quản phù hợp với điều kiện, tiêu chuẩn và hướng dẫn bảo quản của nhà cung cấp;
– Không được để chung với hàng hóa, hóa chất và những vật dụng khác có khả năng lây nhiễm chéo hoặc không bảo đảm an toàn thực phẩm.
* Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm sử dụng cho thực phẩm phải thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định của Bộ Y tế;
* Cơ sở phải có đủ nước sạch để sản xuất, chế biến thực phẩm phù hợp với QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.
Thứ tư: đối với chất thải rắn, nước thải trong khu vực sản xuất thực phẩm:
Cơ sở phải có đủ dụng cụ thu gom chất thải rắn. Dụng cụ thu gom chất thải rắn phải được làm bằng vật liệu phù hợp và được vệ sinh thường xuyên.
Chất thải rắn phải được thu gom, phân loại và chứa đựng trong thùng có nắp đậy kín hoặc khu vực tập kết chất thải theo quy định về bảo vệ môi trường của địa phương.
Nước thải của cơ sở phải bảo đảm tuân thủ QCVN 14:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt và được thu gom vào hệ thống nước thải chung theo quy định về bảo vệ môi trường của địa phương.
Thứ năm: Khu vực bảo quản và lưu giữ thực phẩm phải bảo đảm:
Duy trì điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông gió và các yếu tố bảo đảm an toàn thực phẩm khác theo quy định và yêu cầu về bảo quản thực phẩm của nhà sản xuất.
Có biện pháp, dụng cụ chống côn trùng và động vật gây hại.
Sản phẩm thực phẩm không được để chung với hàng hóa, hóa chất và những vật dụng khác có khả năng lây nhiễm chéo hoặc không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thứ sáu: trong vận chuyển thực phẩm:
Chủ cơ sở phải niêm yết tại cơ sở: Quy định đối với phương tiện, phương thức, điều kiện bảo quản và quản lý an toàn thực phẩm của sản phẩm trong quá trình vận chuyển thực phẩm trong khu vực sản xuất;
Không vận chuyển thực phẩm cùng các loại vật tư, nguyên liệu, hóa chất có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm.
Bên cạnh những điều kiện trên, pháp luật còn quy định: Các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Trường hợp nào thì cơ sở sản xuất thực phẩm bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm?
Việc thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 9, Thông tư Số: 58/2014/TT-BCT và Điều 13 Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2014 và Điều 7 Thông tư 26/2012/TT-BYT, theo đó:
Giấy chứng nhận sẽ bị thu hồi trong những trường hợp sau:
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không hoạt động ngành nghề kinh doanh thực phẩm đã đăng ký;
– Có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đổi ngành nghề kinh doanh tại cơ sở cũ;
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Vậy việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở này bị xử lý thế nào?
Cho dù là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thì khi vi phạm cũng bị xử lý theo quy định chung được quy định tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP, ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ “ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm”. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ có có chế tài xử phạt tương ứng, có thể là cảnh cáo hoặc phạt tiền; bên cạnh đó còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung (như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm…) Ngoài ra còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả . Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này. (Điều 3, Điều 4, Nghị định 178/2013/NĐ-CP
Sử dụng các hóa chất độc hại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiện nay chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, dẫn đến tình trạng nhờn luật, hậu quả người dân gánh chịu. Vậy Nhà nước có quy định nào để xử lý nghiêm khắc hơn?
Sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là một tội ác. Không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến cả giống nòi. Nhưng hiện nay chủ yếu là xử phạt hành chính, chỉ khi nào gây hậu quả nghiêm trọng mới xử lý hinh sự. Người ăn phải thực phẩm có hóa chất độc hại là chết dần, chết mòn. Đợi đến khi có hậu quả xảy ra rồi mới xử lý hình sự thì đã quá muộn. Đây là một lỗ hổng lớn của pháp luật hiện hành. Nhận thấy khiếm khuyết này, nên Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ 1.7.2016) đã dành 1 điều (Điều 317) quy định về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo đó chỉ cần phát hiện có sử dụng chất cấm là đã bị xử lý hình sự mà không cần phải có hậu quả xảy ra; người phạm tội còn có thể bị phạt tù đến 20 năm. Và không chỉ có chất cấm, ngay cả khi sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm cũng có thể bị phạt tù.
Đây là hình phạt nghiêm khắc, có sức răn đe mạnh mẽ để ngăn ngừa hành vi phạm tội. Tuy nhiên hình phạt đó có ngăn ngừa được thực phẩm bẩn hay không còn phụ thuộc rất lớn vào sự quyết liệt của các cơ quan chức năng. Nếu không có sự quyết tâm đó thì quy định cũng vô nghĩa.
Cảm ơn luật sư!
.