Một số quy định mới trong Luật Phá Sản 2014

0
902

Dưới đây là một số quy định mới trong luật phá sản năm 2014:

1. Thay đổi tiêu chí xác định DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản. Nếu như Luật Phá sản năm 2004 quy định “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản” thì đến Luật phá sản 2014 đã sửa đổi lại “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Có thể thấy quy định mới này cụ thể hơn, rõ ràng hơn khi xác định tiêu chí mất khả năng thanh toán là khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán và xác định rõ thời điểm nộp đơn mở thủ tục phá sản là 3 tháng từ ngày đến hạn thanh toán thì DN, HTX sẽ lâm vào tình trạng phá sản.

2. Luật Phá sản 2014 xác định rõ người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, theo đó:

Những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm:

• Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà DN, HTX không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

• Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà DN, HTX không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

• Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

• Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Những người có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm:
• Người đại diện theo pháp luật của DN, HTX có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi DN, HTX mất khả năng thanh toán.
• Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

3. Luật Phá sản năm 2004 quy định thành phần Tổ quản lý, thanh lý tài sản gồm có:

• Một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp làm Tổ trưởng
• Một cán bộ của Toà án
• Một đại diện chủ nợ
• Đại diện hợp pháp của DN, HTX bị mở thủ tục phá sản
• Trường hợp cần thiết có đại diện công đoàn, đại diện người lao động, đại diện các cơ quan chuyên môn tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản thì Thẩm phán xem xét, quyết định.
Tuy nhiên các thành viên Tổ quản lý, thanh lý tài sản đều là người thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ. Đến Luật Phá sản 2014 đã giải quyết được vấn đề này bằng việc quy định chế định cho phép cá nhân, doanh nghiệp được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản gồm: Quản tài viên; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Quản tài viên là luật sư, kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.
Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gồm: Công ty hợp danh có tối thiểu hai thành viên hợp danh là Quản tài viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty hợp danh là Quản tài viên; Doanh nghiệp tư nhân có chủ doanh nghiệp là Quản tài viên, đồng thời là Giám đốc.
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền và nghĩa vụ sau:
• Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán, bao gồm:
o Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của                         DN, HTX.
o Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ.
o Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được                           phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài                             sản của DN, HTX khi bán, thanh lý tài sản.
o Giám sát hoạt động kinh doanh của DN, HTX theo quy định của pháp luật.
o Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp                               luật.
o Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của DN, HTX để bảo đảm chi phí                         phá sản.
o Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản.
o Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo                               cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá                         sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài                             sản.
o Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan                               thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.
• Đại diện cho DN, HTX trong trường hợp DN, HTX không có người đại diện theo     pháp luật.
• Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của DN, HTX tham gia xây     dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của DN, HTX mất khả năng                         thanh toán.
• Đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc sau:
o Thu thập tài liệu, chứng cứ.
o Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của DN, HTX bị                             bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp.
o Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành                                 chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo                               quy định của pháp luật.

• Được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
• Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

4. Luật Phá sản năm 2014 bổ sung quy định về phương thức thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN, HTX mất khả năng thanh toán trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ. Cụ thể như sau:
• Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, DN, HTX mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn. Tòa án nhân dân ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
• Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
• Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
5. Luật Phá sản 2004 có quy định về xử lý các khoản nợ chưa đến hạn nhưng lại chưa có quy định cụ thể về việc xác định khoản lãi đối với các khoản nợ chưa đến hạn và các khoản nợ mới phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản. Để tránh dẫn đến tình trạng áp dụng không thống về việc tính các khoản lãi của các khoản nợ, Luật Phá sản 2014 đã bổ sung một số những quy định sau:
          • Kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, các khoản nợ được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi.
Trường hợp Thẩm phán ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản trong trường hợp kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản, nếu DN, HTX không mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản; đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh trong các trường hợp: DN, HTX đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; DN, HTX không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; Hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng DN, HTX vẫn mất khả năng thanh toán thì việc tạm dừng trả lãi chấm dứt, các bên tiếp tục thực hiện việc trả lãi theo thỏa thuận.
• Đối với khoản nợ mới phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản đến thời điểm tuyên bố DN, HTX phá sản thì tiền lãi của khoản nợ đó được xác định theo thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.
• Kể từ ngày ra quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản thì khoản nợ không được tiếp tục tính lãi.

6. Đối với các giao dịch của DN, HTX mất khả năng thanh toán trong thời gian 6 tháng trước ngày TAND ra quyết định mở thủ tục phá sản đều bị coi là vô hiệu trong các trường hợp sau:
• Giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường.
• Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của DN, HTX.
• Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn.
• Tặng cho tài sản.
• Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của DN, HTX.
• Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của DN, HTX.

7. Quy định điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ khi có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không bảo đảm. Có thể thấy so với điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ trong Luật phá sản 2004, số chủ nợ tham gia hội nghị không phải là điêu kiện để hội nghị hợp lệ. Điều này có nghĩa chỉ cần 1 chủ nợ đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không bảo đảm là hội nghị đã hợp lệ.

8. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các chủ nợ. Như vậy, nghị quyết của Hội nghị chủ nợ có được thông qua hay không phụ thuộc vào số nợ mà không dựa vào số chủ nợ có mặt.

9. Luật Phá sản 2014 cho phép lập Ban đại diện chủ nợ thay mặt cho các chủ nợ thực hiện giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, đề xuất với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ. Trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện đề xuất thì Ban đại diện chủ nợ có quyền thông báo bằng văn bản với Thẩm phán phụ trách giải quyết phá sản.

10. Thời hạn thực hiện phương án hồi phục hoạt động kinh doanh của DN, HTX mất khả năng thanh toán sẽ do Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ quyết định. Nếu Hội nghị chủ nợ không quyết định được thời hạn chính xác thì thời hạn thực hiện phương án hồi phục hoạt động kinh doanh là không quá 3 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án hồi phục hoạt động kinh doanh.

11. Luật Phá sản 2014 đã bổ sung nguyên 1 chương quy định về việc phá sản đối với tổ chức tín dụng, theo đó quy định cụ thể về áp dụng quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng; hoàn trả khoản vay đặc biệt; thứ tự phân chia tài sản; trả lại tài sản nhận ủy thác, nhận giữ hộ khi tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản phá sản; giao dịch của tổ chức tín dụng trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt; quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản.

12. Luật Phá sản 2014 quy định việc giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp sau:

          • Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là người đại diện theo pháp luật của DN, HTX hoặc Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh mà DN, HTX mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản

• Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà DN, HTX mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản.