Ngày 5/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường chứng khoán phái sinh.
Nghị định có một số quy định đáng chú ý như sau:
Thứ nhất: Nghị định đưa ra khái niệm về chứng khoán phái sinh:
Chứng khoán phái sinh là chứng khoán quy định tại Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, bao gồm:
Hợp đồng tương lai là chứng khoán phái sinh niêm yết, trong đó xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau:
– Mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở nhất định theo một mức giá đã được xác định vào một ngày đã được ấn định trước trong tương lai; hoặc
– Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã xác định trước tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại một ngày được ấn định trước trong tương lai.
Thứ hai: Về đối tượng áp dụng của Nghị định 42 như sau:
Đối tượng áp dụng của Nghị định là đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư CKPS và hoạt động trên thị trường CKPS tại Việt Nam.
Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán phái sinh và thị trường CKPS tại Việt Nam.
Thứ ba: Nghị định đưa ra quy định về tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh
Kế thừa các quy định trong Luật Chứng khoán về các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, Nghị định đặt ra điều kiện thực hiện các hoạt động kinh doanh CKPS đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán bao gồm:
Có đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Luật chứng khoán;
Đáp ứng các điều kiện tài chính (các mức vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động tự doanh CKPS, 800 tỷ đồng trở lên và được phép thực hiện hoạt động tự doanh CKPS đối với hoạt động môi giới CKPS;
Vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định theo quy định pháp luật về chứng khoán đối với hoạt động tư vấn đầu tư CKPS; Đáp ứng yêu cầu về lợi nhuận, tỷ lệ vốn khả dụng, quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Việc kinh doanh CKPS của tổ chức kinh doanh chứng khoán phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh.
Thứ tư: Nghị định quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh như sau:
CKPS giao dịch trên thị trường CKPS bao gồm: hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn niêm yết; hợp đồng kỳ hạn dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán và các CKPS niêm yết, giao dịch thỏa thuận khác dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK).
Ngoài SGDCK, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch CKPS niêm yết.
Việc giao dịch CKPS của nhà đầu tư thực hiện thông qua môi giới của các thành viên giao dịch của SGDCK.
Hoạt động bù trừ, thanh toán thực hiện thông qua các thành viên bù trừ và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (TTLKCK). Nghị định quy định những nguyên tắc căn bản về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, điều kiện cung cấp dịch vụ của thành viên giao dịch và thành viên bù trừ đối với nhà đầu tư.
Nghị định cũng quy định về điều kiện hoạt động của thành viên giao dịch đặc biệt, là các ngân hàng thương mại (NHTM), tham gia thị trường CKPS dựa trên trái phiếu Chính phủ;. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về tài khoản giao dịch của nhà đầu tư, tuân thủ các quy định về đầu tư và ký quỹ giao dịch để bảo đảm thanh toán cho các giao dịch này.
Thứ năm: Nghị định quy định về bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh như sau:
Nghị định quy định TTLKCK Việt Nam là đơn vị duy nhất đảm nhiệm chức năng thanh toán, bù trừ cho các giao dịch CKPS trên thị trường CKPS.
Để đảm bảo hạn chế rủi ro, hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch CKPS niêm yết trên SGDCK phải được thực hiện theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP)
Công ty chứng khoán và NHTM có thể đăng ký làm thành viên bù trừ của TTLKCK Việt Nam khi đáp ứng được một số yêu cầu nhất định.
Trong đó, CTCK, NHTM đăng ký làm thành viên bù trừ trực tiếp (thực hiện bù trừ, thanh toán cho giao dịch CKPS của chính mình và của khách hàng của mình) đáp ứng các điều kiện về vốn thấp hơn khi đăng ký làm thành viên bù trừ chung (thực hiện thanh toán bù trừ cho cả thành viên giao dịch không là thành viên bù trừ).
Ngoài ra, Nghị định cũng đưa ra những quy định về việc ký quỹ, sử dụng các biện pháp đảm bảo thanh toán và cơ chế phòng ngừa rủi ro trong thanh toán.
Việc cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch CKPS của CTCK, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch CKPS.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015.
Khách hàng có thể tải toàn văn Nghị định tại đây: Nghị định số 42/2015/NĐ-CP