Quy định pháp luật về tách vụ án dân sự

0
855

Câu hỏi: Một vụ án tranh chấp dân sự có 1 nguyên đơn và 10 bị đơn. Tại phiên tòa sơ thẩm có 2 bị đơn vắng mặt lần 2 không có lý do (đã TT hợp lệ); 1 bị đơn yêu cầu giám định chữ ký. Theo yêu cầu của nguyên đơn là đề nghị tách vụ án đối với 3 bị đơn này. Cùng ngày Chánh án TA sơ thẩm đã ra quyết định tách vụ án. Cho mình xin hỏi có đảm bảo theo quy định của pháp luật không khi mà vụ án đang XX sơ thẩm mà Chánh án lại tách vụ án?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Việc tách vụ án chỉ thực hiện trong trường hợp vụ án có nhiều quan hệ pháp luật có thể giải quyết một cách độc lập mà không ảnh hưởng tới việc giải quyết các quan hệ pháp luật khác. Việc tách vụ án phải đảm bảo việc giải quyết nhanh chóng và đúng pháp luật các yêu cầu của đương sự.

Trong trường hợp các quan hệ pháp luật có tranh chấp độc lập với nhau và việc nhập các quan hệ pháp luật để giải quyết trong cùng một vụ án sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án thì tòa án nên tách các quan hệ pháp luật để giải quyết trong các vụ án khác nhau. Ví dụ nhiều người khởi kiện đòi nợ đối với một người về những khoản nợ riêng biệt được vay vào các thời điểm khác nhau.

Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về tách nhập vụ án như sau:

“Điều 42. Nhập hoặc tách vụ án

1. Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

2. Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật.

3. Khi nhập hoặc tách vụ án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.

Như vậy, nếu có nhiều quan hệ pháp luật khác nhau thì Tòa án có thể tách vụ án để giải quyết.