Quy định pháp lý về xây dựng trang trại.

0
782

Thời gian qua, không ít chủ trang trại có ý kiến cho rằng việc cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại chưa thông thoáng, nhiều quy định về tiêu chí kinh tế trang trại còn mơ hồ khiến chủ trang trại khi làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận gặp khó khăn, dẫn đến mất cơ hội làm ăn …

Dưới góc nhìn pháp lý, chuyên gia đánh giá vấn đề này thế nào? Điểm nào bất cập trong quy trình cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại? Cải tiến thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ trang trại?…Đó là nội dung cuộc trao đổi của TTV với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty luật SBLaw– Hà Nội).

Câu hỏi; Theo quy định hiện hành thì quy trình cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại được thực hiện thế nào, thưa luật sư?

Trả lời: Việc cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại được quy định tại Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chí xác định kinh tế trang trại ( theo quy định tại Điểu 5, Thông tư này) sẽ được Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Đối với trường hợp đề nghị cấp mới, cá nhân, hộ gia đình hoặc người đại diện theo ủy quyền (gọi tắt là chủ trang trại) nộp một bộ hồ sơ (theo quy định tại Điều 8 27/2011/TT-BNNPTNT); đối với trường hợp cấp đổi thì nộp một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 9, 27/2011/TT-BNNPTNT tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trang trại sản xuất. Nếu cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn nhiều xã thì chủ trang trại tự quyết trong việc lựa chọn Ủy ban nhân dân cấp xã nào nộp hồ sơ cho thuận tiện nhất.

Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ khi có đủ giấy tờ theo quy định và phải trao Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ trong đó ghi rõ ngày hẹn trả kết quả. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xác nhận Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại và chuyển hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại đến Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp không xác nhận Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho chủ trang trại trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ từ Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

– Đầy đủ hồ sơ theo quy định

– Thỏa mãn tiêu chí xác định kinh tế trang trại

Giấy chứng nhận kinh tế trang trại sau khi cấp được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp xã và trả cho chủ trang trại trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải gửi văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó nói rõ lý do để thông báo cho người nộp hồ sơ. Nếu sau 13 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ mà không nhận được Giấy chứng nhận kinh tế trang trại hoặc không nhận được thông báo không cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì chủ trang trại đó có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Câu hỏi: Theo luật sư quy trình cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân?

Trả lời: Nhìn chung quy định nêu trên khá chặt chẽ, tuy nhiên có một số điểm cần phải sửa và hướng dẫn chi tiết, nếu không nông dân sẽ bị làm khó khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Trước hết: Theo quy định thì cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy chỉ được Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại khi thỏa mãn tiêu chí xác định kinh tế trang trại theo quy định tại Điều 5 của Thông tư nêu trên. Ngoài tiêu chí về diện tích, còn phải đáp ứng tiêu chí về giá trị sản lượng: Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm; cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên; cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên. Nông dân khi bán sản phẩm làm gì có hóa đơn. Vậy làm thế nào để một người nuôi cá chứng minh được rằng họ đã bán được 700 triệu đồng tiền cá /năm để được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại? Cơ quan nào, và dựa vào cơ sở nào để đánh giá được giá trị sản lượng của trang trại cũng chưa được làm rõ. Trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại yêu cầu người đề nghị cấp phải ghi thông tin về giá trị sản lượng hàng hóa trong năm, sau đó có ý kiến xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Vậy mỗi lần bán sản phẩm lại phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng kiến, xác nhận? Nếu không chứng kiến, xác nhận thì dựa vào đâu để UBND cấp xã xác nhận giá trị sản lượng hàng hóa trong năm? Vậy Ủy ban nhân dân cấp xã có đủ người để xác nhận cho mỗi chủ trang trại mỗi khi xuất bán sản phẩm? Mà không ký xác nhận thì làm khó cho dân, mà ký xác nhận lại thiếu cơ sở. Do đó tôi cho rằng quy định tiêu chí về giá trị sản lượng khá mơ hồ. Và có lẽ đây chính là kẽ hở để người có thẩm quyền xác nhận và thẩm định cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại có cơ hội để bắt bẻ, nhũng nhiễu. Mặt khác cũng là quy mô diện tích như thế, nhưng giá trị sản lượng của nuôi tôm khác với nuôi cá…vậy nên đánh đồng giá trị sản lượng với nhau xem ra không hợp lý. Bởi vậy tôi cho rằng chỉ cần đảm bảo tiêu chí về diện tích đất là đủ. Tất nhiên diện tích đó là để sản xuất nông nghiệp.

Một điểm nữa, nếu tính tính thời gian, kể từ khi nộp đơn đến lúc được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại lên tới 13 ngày, ấy là chưa kể trục trặc trong quá trình làm các thủ tục. Vào vụ sản xuất, người ta muốn có một cái Giấy chứng nhận kinh tế trang trại để được vay vốn đầu tư mà kéo dài gàn nửa tháng, có khi lỡ mất thời cơ. Người ta có đất rồi, có đủ hồ sơ rồi, các loại giấy tờ ( Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất …) đã được công chứng rồi, vẫn thường xuyên nuôi trồng rồi nay chỉ là nâng cấp thành trang trại thôi thì có gì mà để thời gian cấp Giấy chứng nhận kéo dài như thế. Tôi cho rằng, tối đa chỉ bảy ngày là đủ thời gian để các cơ quan có thẩm quyền thẩm định cấp hay không cấp Giấy chứng nhận.

Câu hỏi: Nhiều chủ trang trại muốn đăng ký thương hiệu sản phẩm của mình (ví dụ như chè, thanh long, gà…) nhưng lại cho rằng thủ tục rườm rà, khó khăn. Quan điểm của luật sư về vấn đề này thế nào? Theo luật sư phải sửa đổi thế nào để tạo điều kiện cho chủ trang trại đăng ký thương hiệu sản phẩm thuận lợi nhất?

Trả lời: Theo quan điểm của tôi, để sản phẩm của trang trại đưa ra thị trường có giá trị cao thì nhất thiết phải có thương hiệu.

Một trong những việc làm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của trang trại đó là chủ trang trại cần quan tâm tới việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu sản phẩm.

Để có thể tiến hành đăng ký nhãn hiệu sản phẩm trang trại, các công việc mà chủ trang trại cần tiến hành như sau:

Bước 1: Chủ trang trại cần tiến hành đặt tên cho sản phẩm, thiết kế logo hoặc thiết kế nhãn hiệu cho sản phẩm.

Bước 2: Chủ trang trại có thể trực tiếp hoặc thông qua một tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp hoặc các luật sư để tiến hành tra cứu xem nhãn hiệu sản phẩm đó đã có ai đăng ký trước chưa, nếu kết quả tra cứu khẳng định nhãn hiệu có khả năng đăng ký thì chủ trang trại tiến hành thủ tục đăng ký, trong trường hợp kết quả tra cứu không khẳng định là nhãn hiệu có thể đăng ký thì chủ trang trại có thể phải lựa chọn một nhãn hiệu khác để đăng ký.

Bước 3: Sau khi có kết quả tra cứu, chủ trang trại sẽ trực tiếp liên hệ với Cục sở hữu trí tuệ hoặc thong qua các luật sư tư vấn để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Trong trường hợp này, đơn đăng ký nhãn hiệu cần có các tài liệu sau:

 

  • Đơn đăng ký nhãn hiệu (theo mẫu của Cục SHTT).
  • Nhóm sản phẩm mang nhãn hiệu (ví dụ như sản phẩm cam, bưởi… sẽ được phân nhóm theo thoả ước Nice).
  • 12 mẫu nhãn hiệu đính kèm.
  • Giấy uỷ quyền nếu nộp thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp
  • Chứng từ phí và lệ phí

Bước 4: Sau khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, Cục sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định đơn đăng ký và sẽ công bố kết quả là cấp văn bằng bảo hộ hay từ chối trong vòng 12 tháng kể từ ngày nộp đơn, sau khi nhãn hiệu được cấp sẽ có hiệu lực là 10 năm kể từ ngày nộp đơn và cứ 10 năm sẽ tiến hành gia hạn.

Một lưu ý quan trọng là việc đăng ký nhãn hiệu sẽ chỉ có hiệu lực tại Việt Nam, nếu chủ trang trại có ý định xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài thì cần tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia đó.

Việc đăng ký ra nước ngoài sẽ thông qua việc đăng ký trực tiếp và đăng ký qua hệ thống Madrid, chủ trang trại nên lien hệ với các tổ chức đại diện uy tín để họ tư vấn cách thức đăng ký nhanh và tiết kiệm chi phí nhất.

Chi phí đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam là tương đối rẻ, chi phí sẽ phụ thuộc vào số nhóm sản phẩm và số lượng sản phẩm, ví dụ chi phí đăng ký một nhóm sản phẩm và cho tối đa 6 sản phẩm là 1.080.000 đồng, đây là phí đóng cho Cục SHTT chưa bao gồm phí luật sư.

Chi phí đăng ký ra nước ngoài thì cao hơn rất nhiều, ví dụ chi phí đăng ký sang Hoa Kỳ phải tính bằng nghìn USD.

Nói chung thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam hiện nay là tương đối đơn giản, chủ trang trại cần đăng ký ngay khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Khi sản phẩm nông sản đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, khi phát hiện ra trên thị trường có sản phẩm bị nhái, bị làm giả thì chủ sở hữu có thể bảo vệ quyền của mình bằng việc yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính, khởi tố hình sự hoặc khởi kiện ra toà dân sự để đòi bồi thường thiệt hại.